Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ song phương trong cuộc điện đàm đầu tiên. (Nguồn: NCA/Getty Images) |
Nắm lấy cành olive
Hôm 26/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã điện đàm, với mong muốn tái thiết mối quan hệ dựa trên “sự tin tưởng” và “tôn trọng”.
Thông cáo của Điện Elysée cho biết: “Tổng thống Pháp và tân Thủ tướng Australia đã nhất trí xây dựng lại mối quan hệ song phương dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng... Một lộ trình sẽ được thiết lập để cấu trúc chương trình nghị sự song phương mới này”.
Hai nhà lãnh đạo cũng “ghi nhận sự rạn nứt sâu sắc về niềm tin" sau quyết định của cựu Thủ tướng Scott Morison hủy “hợp đồng thế kỷ” mua 12 tàu ngầm của Pháp ký kết tháng 12/2016.
Với Pháp, hợp đồng này không đơn thuần là một “món quà Giáng sinh” tuyệt vời, mà còn có ý nghĩa địa chính trị hết sức quan trọng. Bởi lẽ, Paris xem mối quan hệ đối tác với Canberra là hình mẫu tiêu biểu và trụ cột trong chiến lược của nước này với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Pháp là nước Liên minh châu Âu (EU) duy nhất có lãnh thổ và hiện diện thường trực về quân sự tại khu vực này. Là nước đầu tiên trong khối xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp xem quan hệ hợp tác quân sự với Ấn Độ và Australia là hai trụ cột chính trong chiến lược đối với khu vực.
Do đó, theo giới chuyên gia, việc Canberra đơn phương chấm dứt cam kết với Paris khiến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp bấp bênh hơn.
Cuộc điện đàm kéo dài 20 phút giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Anthony Albanese ngày 26/5 có thể là bước đầu nhằm cải thiện quan hệ song phương. Song theo cựu Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Paris và Canberra sẽ “cần có thời gian trước khi lòng tin có thể tái lập”. |
Gương vỡ khó lành
Tuy nhiên, chỉ một cuộc điện đàm giữa ông Macron và ông Albanese là chưa đủ để hàn gắn những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ Pháp-Australia.
Điển hình là khi ông Jean-Yves Le Drian, người giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp trong một thập kỷ, công khai bày tỏ sự hài lòng trước thất bại của cựu Thủ tướng Scott Morrison. Ông Le Drian cho rằng, “những hành động (của Australia) đối với nước Pháp được thực hiện vào thời điểm đó là một sự bạo ngược và đáng khinh bỉ”.
Trước đó, Bộ trưởng Le Drian đã coi hành động của Australia là một “nhát dao đâm vào lưng” đồng minh. Theo báo chí Pháp, phát biểu của ông Le Drian, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và là người thúc đẩy “hợp đồng thế kỷ” giữa Paris và Canberra năm 2016, đã phản ánh rõ quan điểm của Pháp đối với hành động đơn phương của cựu Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 9/2021.
Tháng 2/2022, Pháp công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cập nhật, theo đó khẳng định “tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, đồng thời sẽ tăng cường phối hợp giữa hai bên”.
Tuy nhiên, Pháp lại loại Australia khỏi danh sách các đối tác chiến lược của nước này trong khu vực, nhấn mạnh “Pháp sẽ theo đuổi hợp tác song phương với Australia trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, tùy theo lợi ích quốc gia của mình và lợi ích của các đối tác trong khu vực".
Quyết định của Australia liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm ký kết hồi tháng 12/2026 làm sứt mẻ nghiêm trọng quan hệ với Pháp. (Nguồn: Anadolu) |
Văn bản này cũng nhấn mạnh: “Quyết định tháng 9/2021 của Australia liên quan đến Chương trình Tàu ngầm tương lai (FSP), mà không có sự tham vấn hoặc cảnh báo trước, đã cắt đứt quan hệ đối tác tin cậy với Pháp. Điều đó dẫn đến việc cần phải đánh giá lại mối quan hệ đối tác chiến lược trong quá khứ giữa hai nước”.
Phát biểu ngày 21/5 của ông Le Drian, hơn 8 tháng sau khủng hoảng, cho thấy mức độ giận dữ của Paris và những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ Pháp-Australia. Cuộc điện đàm kéo dài 20 phút giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Anthony Albanese ngày 26/5 có thể là bước đầu tiên trên con đường cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên, theo cựu Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Paris và Canberra sẽ “cần phải có thời gian trước khi lòng tin có thể tái lập”.