Việt Nam là một trong những quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. (Nguồn: Dân Việt) |
Chương trình được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, và được phối hợp triển khai bởi AFD, Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD) và Cục Biến đổi Khí hậu (DCC) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại sự kiện, các bên cũng đã đề cập tới triển vọng về phần tiếp theo của chương trình, nhằm đáp ứng những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong Hội nghị COP 26. Báo cáo giữa kỳ của nghiên cứu cũng đã khẳng định những khó khăn về những tác động tiềm năng và nhu cầu thích ứng mà Việt Nam sẽ gặp phải.
Theo ông Trần Anh Quân, nhà nghiên cứu tham gia nghiên cứu GEMMES Việt Nam, từ nay cho tới cuối thế kỷ, nếu không có bất cứ hành động nào được triển khai, một ngày bình thường như hôm nay sẽ có nhiệt độ lên tới 43 độ - thậm chí 48 độ vào những ngày nóng nhất .
Về phần mình, ông Sepehr Eslami, một chuyên gia nghiên cứu khác của chương trình cũng nhấn mạnh đến những tác động có thể có của biến đổi khí hậu và những hoạt động của con người đối với quá trình nhiễm mặn nước của đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là nông nghiệp.
"Bất kể điều gì sẽ diễn ra trong 30 năm tới, tình trạng nhiễm mặn nước sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức độ nhiễm mặn có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hay không còn tùy vào các chính sách được triển khai và tùy vào các kịch bản khí hậu khác nhau".
Bà Marie-Noëlle Woillez, chuyên gia khí hậu của AFD cũng nhấn mạnh rằng, mức tăng tương đối của mực nước biển có thể sẽ tăng từ 1 đến 2m tại khu vực ven biển.
Một số tác động khác được các nhà nghiên cứu nhắc đến như hệ quả liên quan tới việc tăng các bệnh truyền nhiễm và tử vong, những hệ quả về nông nghiệp, hệ quả về năng lượng. Qua đó, các mô hình kinh tế vĩ mô của GEMMES Việt Nam cũng cho phép hiểu rõ sự tương tác giữa các lĩnh vực làm gia tăng các tác động này như thế nào.
Trước những tác động trên, các chuyên gia cho rằng, thích ứng cần có sự huy động của tất cả các bên, ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Chính vì vậy, ông Emmanuel Pannier, nhà nhân chủng học tại IRD, đã phân tích những dạng thích ứng tự phát ở địa phương trước các hiện tượng cực đoan trong nhiều địa phương khác nhau, và nghiên cứu việc sử dụng nguồn vốn xã hội và khoản vay để duy trì một số khả năng chống chịu, phục hồi trước những cú sốc.
Nhà sử học Fédéric Thomas cũng đã cho thấy các dữ liệu lịch sử về khí hậu và cách thức thích ứng với những biến động khí hậu trong các thời kỳ trước đã làm sáng tỏ những thách thức của hiện tại như thế nào.
Ông Etienne Espagne, Trưởng dự án GEMMES Việt Nam, đã nhắc lại tầm quan trọng của một hành động mạnh mẽ và phối hợp ở cấp khu vực để đối mặt với những hệ quả của biến đổi khí hậu tại quốc gia, và chính sách ngoại giao khu vực mà Việt Nam hiện đang triển khai rất tốt.
"Chúng tôi đã xây dựng một chính sách quốc gia về chống biến đổi khí hậu, qua đó cho phép chúng tôi đánh giá và rà soát lại những quy trình triển khai chiến lược và kế hoạch để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là thông qua chương trình nghiên cứu GEMMES. Tuy nhiên, con đường để đạt được những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP 26, nhất là về cam kết phát thải ròng bằng 0, vẫn còn dài và sẽ cần phải có sự huy động toàn bộ các tác nhân", ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục DCC, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Theo AFD, sau GEMMES Việt Nam giai đoạn 1, đây là thời điểm để nghiên cứu bước tiếp theo của chương trình – GEMMES Việt Nam giai đoạn 2.
"Lộ trình mà Việt Nam theo đuổi còn dài và AFD luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam. Hỗ trợ của chúng tôi sẽ tập trung vào những nhu cầu thực tế của các đối tác địa phương, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua Chương trình Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership (JETP), cũng như thông qua đối thoại chính sách công, được hỗ trợ thông qua các chương trình nghiên cứu như chương trình GEMMES", ông Hervé CONAN, Giám đốc Quốc gia AFD Việt Nam chia sẻ.
Báo cáo cuối cùng của chương trình GEMMES – giai đoạn 1 – sẽ được chính thức trao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam tại hội nghị COP 27, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập, với một trong những nội dung chính sẽ liên quan tới tài trợ thích ứng.