Hóa thạch loài sinh vật cổ đại có chứa hệ thần kinh cổ nhất vừa được phát hiện (Nguồn: LiveScience) |
Phát hiện vừa được công bố ngày 29/2 trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Theo đó, hóa thạch của sinh vật cổ đại được cho là tổ tiên của loài rết có tên khoa học là Chengjiang Caris kunmingensis, đã sống vào Kỷ Cambri, khoảng 520 triệu năm trước đây.
Là tổ tiên của các loài động vật chân đốt (như loài rết), loài Chengjiang Caris kunmingensis sống vào khoảng thời gian khi các loài động vật trên Trái Đất đã đa dạng hơn và được phân thành nhiều nhóm khác nhau. Loài rết này thuộc một nhóm tổ tiên động vật chân đốt được gọi là Fuxianhuiids, theo nghiên cứu của tác giả Javier Ortega-Hernandez, một nhà sinh vật học tại Khoa Động vật học trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. "Một số cá thể lớn nhất của nhóm này có thể đạt tới chiều dài 15 cm, và có ít nhất 80 chân", ông Ortega-Hernandez cho biết.
Nghiên cứu hóa thạch vừa phát hiện cho thấy, loài rết này có một dây thần kinh trung tâm kéo dài khắp cơ thể, với các cụm mô thần kinh bố trí theo dọc dây thần kinh trung tâm, giống như các hạt xâu thành chuỗi trên một sợi dây.
Theo ông Ortega-Hernandez, khu vực Xiashiba tại Côn Minh - nơi hóa thạch được tìm thấy - là nơi nổi tiếng trên thế giới về các phát hiện hóa thạch động vật cổ đại. Ông giải thích thêm rằng những con vật này có thể đã bị chôn vùi trong một môi trường thiếu oxy trong lòng đất và sẽ được bảo vệ khỏi sự phá hoại của vi khuẩn, do đó đã làm chậm, thậm chí ngăn cản quá trình xác của chúng bị thối rữa. "Cuối cùng, xác động vật trở thành hóa thạch, và do hầu như không bị phân hủy, các bộ phận trên cơ thể con vật đã được bảo tồn một cách tuyệt vời," ông nói.