Đoàn đã tiến hành điều tra khảo sát 14 di tích (trong đó có 13 di tích thềm sông cổ và 1 di tích hang động) cùng với hàng trăm di vật khảo cổ được phát hiện. Đây là những công cụ lao động được chế tác từ đá cuội sông, suối. Tại các vùng phụ cận của thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, đoàn đã phát hiện di tích suối Séo Hồ chứa công cụ cuội ghè đẽo của người thời tiền sử. Đây là các di vật có đặc trưng của công cụ thời đá cũ.
Đặc biệt, tại huyện Mèo Vạc, đoàn phát hiện bốn địa điểm chứa công cụ rìu nhẵn toàn thân và bàn mài lõm. Các di tích này được xác định vào thời hậu kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Tại huyện Yên Minh, đoàn phát hiện 10 di tích, trong đó có 9 di tích được phân bố trong địa tầng thềm bậc II của Thủy điện sông Nhiệm.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, qua nghiên cứu tổng thể các di vật khảo cổ, đến nay tại Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện được trên 20 di tích văn hóa từ thời đại đá cũ sang thời đại kim khí.
Mặc dù công cuộc nghiên cứu mới chỉ là những bước đi ban đầu song cho thấy Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng đất có tiềm năng to lớn về các di tích văn hóa thời tiền sử và sơ sử.
Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.
P.V