📞

Phát huy chiều sâu văn hóa trong tâm hồn nhân dân Việt Nam-Lào

Thu Trang 08:30 | 21/08/2022
Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng, mối quan hệ Việt Nam-Lào được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một “cuộc chạy tiếp sức”. Để giữ gìn tình cảm vốn quý ấy, mỗi thế hệ cần tiếp nối, vun đắp và phát huy chiều sâu văn hóa trong nhân dân hai nước.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng dự Triển lãm giao lưu mỹ thuật giữa nghệ sĩ Việt Nam-Lào vào tháng 5/2014. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

Đảm nhiệm cương vị Đại sứ Việt Nam tại Lào trong vòng 4 năm (12/2012-12/2016), Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng có vô vàn kỷ niệm gắn bó với đất nước triệu voi và điều ông thấy rõ ràng nhất chính là tình cảm thân thương như người một nhà từ bất cứ người dân Lào nào.

Văn hóa lan tỏa sâu rộng

Một kỷ niệm mà nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào thường kể lại cho bạn bè và người thân là chuyến thăm tỉnh Bokeo. Từ Luang Prabang muốn tới Bokeo phải đi qua phà. Bến phà cũng giống như Việt Nam thời kỳ chiến tranh, cũng có những hàng quán lụp xụp hai bên.

Ghé vào một quán nước, Đại sứ ngồi nói chuyện với bà chủ quán, một người phụ nữ Lào điển hình.

“Đầu tiên, bà chủ quán nước nói chuyện với tôi bằng tiếng Lào, tôi cười đáp lại bà rằng tôi không biết tiếng Lào vì tôi là người Việt Nam. Ngay lập tức, bà quay sang nói tiếng Việt với tôi và hỏi chuyện rất vui vẻ. Bà chia sẻ, hồi bé bà được sống và học tiếng Việt từ bộ đội Việt Nam.

Có thể nói, một người sống xa quê hương lại gặp được một người dân sở tại nói chuyện với mình bằng tiếng Việt một cách thông thạo, quả thực đó là một điều bất ngờ và rất đỗi hạnh phúc”, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ xúc động.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều người từng hỏi ông rằng: “Sang Lào làm Đại sứ vậy có biết tiếng Lào không?”. Quả thực, ông không biết tiếng Lào. Vậy làm thế nào có thể làm việc được đây?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra một điều may mắn đó là tất cả các bạn Lào đều biết tiếng Việt: “Đi công tác địa phương cũng gặp người biết tiếng Việt mà ở Trung ương, các bộ, ban, ngành đều có cán bộ biết tiếng Việt, thậm chí lãnh đạo Lào cũng biết tiếng Việt. Đó chính là lí do, mặc dù không biết tiếng Lào nhưng tôi vẫn có thể hoàn thành nhiệm kỳ Đại sứ tại Lào”.

Điều này cũng phần nào nói lên được chiều sâu trong mối quan hệ Việt Nam-Lào. Nhiều người Lào biết và thậm chí giỏi tiếng Việt đã chứng tỏ họ rất coi trọng Việt Nam. Bắt nguồn từ gốc rễ bền chặt nên ngôn ngữ của hai nước mới có thể lan tỏa sâu rộng đến vậy.

Lấy ví dụ về các bài hát ca ngợi mối quan hệ Việt Nam-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng nhờ sự rung động trong trái tim, tâm hồn nhạc sĩ mới có thể cho ra đời những lời ca, giai điệu hay và ý nghĩa đến thế. Những giai điệu này cũng không thể thiếu trong các điệu múa lăm vông của người Lào. Qua đó thể hiện chiều sâu văn hóa trong tâm hồn của người dân hai nước.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ trao học bổng của Chính phủ Việt Nam cho con em Việt kiều Lào năm 2015. (Nguồn: Nhân dân)

“Cuộc chạy tiếp sức” không ngừng nghỉ

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng về nước và làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương khoảng nửa năm trên cương vị là Phó Trưởng ban Đối ngoại Ban Thường trực Trung ương. Đến giữa năm 2017, ông nghỉ hưu và được giới thiệu giữ chức Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cùng Ban chấp hành Hội và đặc biệt là sự năng động, chủ động của các tổ chức Hội ở các địa phương tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị hai nước.

Hội hữu nghị Việt-Lào ở các địa phương đã tổ chức phong trào đón sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam về nhà sinh hoạt, giúp cho họ phần nào vơi đi những nỗi buồn xa nhà, xa quê hương, đồng thời giúp họ hiểu hơn về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa, nét sinh hoạt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức rất nhiều cuộc thi về khả năng diễn thuyết bằng tiếng Việt cho các sinh viên Lào sinh sống và học tập tại Việt Nam. Mặc dù 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam-Lào, nhưng sự tương trợ, giúp đỡ hai bên dành cho nhau vẫn luôn duy trì.

Phía Việt Nam cũng đã mở rất nhiều đợt quyên góp vật tư, trang thiết bị y tế để trợ giúp cho Lào. Các địa phương cũng có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống Covid-19 chung của cả hai quốc gia.

Chiêm nghiệm từ bản thân, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng hình dung mối quan hệ Việt Nam-Lào được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một “cuộc chạy tiếp sức”. Mỗi một thế hệ đều phấn đấu hết mình cho mối quan hệ đó và truyền lại cho thế hệ mai sau. Từ đó làm cho “cây đoàn kết hữu nghị” Việt Nam-Lào luôn luôn xanh tươi, nở hoa kết trái mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Tục ngữ Lào có câu “ngọc mà không mài thì sẽ trở thành đá”, người thân mà không năng gặp gỡ thì cuối cùng sẽ trở thành người sơ. Không một ai có thể thắng được quy luật của thời gian, tình cảm hữu nghị Việt Nam-Lào là vốn quý, nhưng nếu không được nuôi dưỡng, vun đắp thường xuyên thì dần cũng sẽ phai nhạt.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng sở dĩ mối quan hệ Việt Nam-Lào bền đẹp cho tới ngày hôm nay là nhờ sự chung tay vun đắp của cả hai bên trong suốt chiều dài lịch sử.

Năm nay là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Nhân dịp đặc biệt này, Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn những hoạt động trong khuôn khổ các chương trình kỷ niệm trong năm nay đều được hai đất nước tổ chức thành công.

Bên cạnh đó, mỗi một bộ ngành, địa phương thậm chí là mỗi công dân đều có những cách của riêng mình để đóng góp vào tình hữu nghị giữa hai quốc gia, để “cây đoàn kết” Việt-Lào được phát triển, lớn mạnh và đơm hoa kết trái.