Không khí chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội. (Ảnh: HNM) |
Cách đây 75 năm, nhân dân Việt Nam đã vùng lên tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nộ lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành được những kỳ tích vang dội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Ngay từ khi mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dẫn đến việc ký Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tiếp đó là cuộc trường chinh ác liệt nhất chống đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Sau chiến tranh, nhân dân Việt Nam khẩn trương bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước từ đống tro tàn. Vượt qua mọi khó khăn, bao vây, cấm vận, vượt qua cơn “động đất chính trị” khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh của mình, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới đưa Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, đưa đất nước tiến lên.
Thành công của sự nghiệp Đổi mới từ năm 1986 đến nay đã giúp đất nước không những giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chính trị thế giới hết sức phức tạp, mà còn đưa Việt Nam ra khỏi nhóm nước kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Ngay cả trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế; có quan hệ thương mại với 224 đối tác; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng cao; tiềm lực khoa học, quốc phòng, an ninh được tăng cường đáng kể.
Nhờ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với cả Mỹ và thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn; nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên 91 cơ quan với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế.
Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và khu vực, củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế; cử chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO) và lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương, đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu.
Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh của nước Việt Nam mới cũng trùng với dịp kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Liên Xô là một trong những đầu tiên trên thế giới lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong những năm kháng chiến bảo vệ nền độc lập của mình, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất của Liên Xô -yếu tố vô cùng quan trọng để nhân dân Việt Nam chiến thắng kẻ thù. Quan hệ giữa hai nước luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử và không ngừng phát triển.
Nga trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001 và cũng là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên vào tháng 7/2012. Nét nổi bật của quan hệ chính trị Việt-Nga là có độ tin cậy cao - tiền đề để củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai bên với các hình thức hợp tác đa dạng và đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Hợp tác về quốc phòng, an ninh và năng lượng với LB Nga là những trụ cột quan trọng. Nga đã cung cấp cho Việt Nam nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại; hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của vũ khí; chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị; trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam…
Trong lĩnh vực năng lượng, nhiều dự án hợp tác được triển khai hiệu quả, trong đó có Liên doanh khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam Vietsovpetro - biểu tượng thành công của sự hợp tác Việt-Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và thai thác dầu khí của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những dự án lớn đầu tư vào Liên bang Nga.
Đồng thời, hợp tác giữa các địa phương đang phát triển mạnh và ngày càng đi vào thực chất hơn. Các lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân cũng có những bước phát triển mạnh mẽ với hàng loạt hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, tuần phim, nhất là trong Năm Chéo 2019-2020; Nga đã cấp gần 1000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang theo học tại các trường đại học Nga, một số lượng cao hơn cả thời kỳ Liên Xô cũ. Trong năm 2019, đã có 650.000 người Nga đi du lịch ở Việt Nam.
Các hoạt động này đã củng cố tìm cảm nhân dân hai nước ngày càng bền chặt như như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”.
Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh của mình, nhân dân Việt Nam không quên được những bài học lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước của mình. Đó là thực hiện phương châm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó chính là tinh thần bất diệt của cách mạng tháng Tám để chúng ta vững tin thực hiện thành công sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước và tiếp tục giành những thắng lợi mới rực rỡ hơn nữa.