TIN LIÊN QUAN | |
Phiên thảo luận trực tiếp giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp | |
(Trực tuyến): Tọa đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp |
TG&VN xin giới thiệu toàn văn Phát biểu kết luận của Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn tại Toạ đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.
Thưa quý vị đại biểu,
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đồng chí Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ ngành Ngoại giao, một lần nữa, xin chân thành cảm ơn các đồng chí nguyên Lãnh đạo Nhà nước, đại diện các Bộ ngành và đông đảo Hiệp hội và doanh nghiệp đã tới dự Tọa đàm với chúng tôi hôm nay.
Tôi cũng xin đặc biệt cảm ơn Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã tới chia sẻ với Tọa đàm. Những bài học, câu chuyện thực tế và chia sẻ của các đồng chí cho thấy, từ nhiều thập kỷ qua, ngành Ngoại giao đã đồng hành với người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoai Giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Toạ đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thưa các đại biểu,
Tổ chức Tọa đàm này là sáng kiến hết sức có ý nghĩa trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao. Thành công của sự kiện hôm nay một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của “Ngoại giao kiến tạo” trong đó là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tôi mong rằng sự kiện này sẽ trở thành hoạt động thường xuyên tại các kỳ Hội nghị của ngành tới đây.
Tôi cũng hoan nghênh việc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp trong công tác ngoại giao kinh tế. Đây là cách làm mới, sáng tạo, triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp chúng ta hiểu rõ thực trạng và mong muốn của doanh nghiệp, từ đó có thể phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp một cách “trúng và đúng”. Tôi đề nghị các CQĐD sử dụng các kết quả này làm cơ sở, chuẩn bị nguồn lực, kiện toàn nhân sự, tổ chức công việc sát sao và hiệu quả hơn trong hoạt động của mình.
Để bước đầu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về thông tin, Ngoại giao đã xây dựng bộ hồ sơ 80 thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tại Tọa đàm hôm nay, chúng tôi đã in hồ sơ của một số địa bàn và sẽ phát tại khu vực kết nối trực tiếp giữa các Trưởng CQĐD và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tham khảo đầy đủ thông tin của 80 thị trường trên trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến như trên màn hình.
Thưa các đại biểu,
Kết quả khảo sát do Vụ THKT trình bày, nội dung chia sẻ của các Trưởng CQĐD cùng với ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, đại diện một số doanh nghiệp như VASEP, TH True Milk, FPT, Up Co-working Space hết sức cụ thể và xác đáng. Những ý tưởng, đề xuất này không chỉ làm rõ thêm những mong mỏi của các doanh nghiệp đối với ngành Ngoại giao nói chung, các CQĐD nói riêng, mà còn sẽ giúp chúng tôi điều chỉnh, cải tiến và làm tốt hơn công tác Ngoại giao kinh tế. Từ những trao đổi này, có thể ghi nhận một số nội dung cần nghiên cứu triển khai trong giai đoạn tới:
Thứ nhất, các doanh nghiệp hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của các CQĐD một cách “hiệu quả” nhất. Với nguồn lực có hạn, các CQĐD mong muốn mang đến sự hỗ trợ có “giá trị gia tăng lớn nhất” cho doanh nghiệp.
Thứ hai là câu chuyện thông tin.“Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí”. Hiểu rõ thế giới, nắm vững tiềm năng hợp tác, sâu sát địa bàn sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch thâm nhập thị trường hiệu quả. Thông tin doanh nghiệp cần rất nhiều. Nguồn thông tin lại đa dạng. Thế mạnh của Ngoại giao nằm chính ở khả năng kịp thời cảnh báo những biến động của kinh tế thế giới, sự điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước có khả năng tác động đến doanh nghiệp Việt, đặc biệt ở những thị trường trọng điểm để các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh phương án kinh doanh.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến và kết nối. Ngoại giao ngành hàng như ngoại giao công nghệ, ngoại giao nông sản, ngoại giao năng lượng đã được các nước triển khai khá mạnh mẽ. Cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta sử dụng nguồn lực tối ưu hơn bởi sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ chủ quản, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó. Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu và đẩy mạnh phương thức này trong thời gian tới.
Doanh nghiệp bày tỏ nhu cầu kết nối với các cơ quan đại diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vướng mắc. Đây là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp trông đợi nhiều ở CQĐD. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, theo 2 cấp độ. Ở cấp độ quốc gia, thông qua củng cố mạng lưới quan hệ với sở tại và các hoạt động đối ngoại cấp cao, ngoại giao sẽ vận động chính trị ngoại giao, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận pháp lý để có khuôn khổ thuận lợi xử lý khi phát sinh vướng mắc. Ở cấp độ doanh nghiệp là sự kết nối, giới thiệu đối tác có năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vướng mắc.
Thứ năm, tạo môi trường, khuôn khổ hợp tác, mạng lưới hậu thuẫn thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây vẫn luôn là nhiệm vụ ưu tiên của ngành Ngoại giao, và cũng sẽ được triển khai toàn diện trên ba cấp độ: đa phương, song phương và địa phương. Đa phương là tiếp tục cùng các Bộ/ngành thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới; song phương là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác chủ chốt; địa phương là thắt chặt quan hệ ở cấp bang, cấp tỉnh, thành phố. Cả ba cấp độ đều phục vụ mục tiêu lớn là tạo dựng môi trường kinh tế, chính trị và pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Với những cách tiếp cận trên đây, thời gian tới, các cán bộ Ngoại giao dù ở cương vị nào, ở trong nước hay tại CQĐD cũng sẽ “kịp thời trong tham mưu, nhanh nhạy trong hành động, đồng bộ trong triển khai” nhằm đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp Việt phát triển và hội nhập quốc tế. Để quá trình “ra khơi” này được “thuận buồm xuôi gió”, tôi đề nghị các doanh nghiệp và hiệp hội “chung tay” với chúng tôi trong những nội dung sau:
Mở rộng tham vấn và xây dựng đồng thuận. Đây chính là chìa khóa cho hiểu biết chung của chúng ta. Để làm được điều này chúng tôi sẽ tăng cường sự trao đổi cũng như tham vấn với các doanh nghiệp về nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai công tác Ngoại giao kinh tế của các CQĐD và các đơn vị trong Bộ trong từng giai đoạn thông qua Ban chỉ đạo công tác NGKT của Bộ.
Trong quá trình này, tôi đề nghị các Hiệp hội ngành nghề, các Hiệp hội doanh nghiệp tăng cường quan hệ với Ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan. Trên thực tế, các vị sẽ là cầu nối giữa chúng tôi với doanh nghiệp, phản ánh linh hoạt và kịp thời các thông tin, đánh giá và nhất là hài hòa hóa kế hoạch hành động của mỗi bên.
Ngoại giao nói cho cùng không thể làm thay các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Nhiệm vụ của ngoại giao cuối cùng vẫn là kết nối. Do đó, để phát huy tối đa vai trò “người môi giới quốc dân”, chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng mạng lưới quan hệ để từ đó giúp kết nối doanh nghiệp với đúng đối tác, dự án phù hợp, đặc biệt là các dự án lớn, cần sự hậu thuẫn chính trị - ngoại giao.
Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và mạng lưới CQĐD. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tôi tin tưởng Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và mạng lưới CQĐD. Các Trưởng CQĐD sẽ chia sẻ nỗi trăn trở của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng sẽ hiểu rõ thế mạnh và khó khăn của CQĐD để phối hợp chủ động, hiệu quả hơn. Tôi cũng mong rằng, khi đã nhận thức được tầm quan trọng của cơ chế hợp tác này, cả hai bên sẽ có sự đầu tư thích đáng cả về thời gian, nhân lực và vật lực để tiếp thêm sức mạnh cho cơ chế ấy vận hành hiệu quả, bền vững, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Thưa quí vị đại biểu,
Trước khi kết thúc, tôi xin tóm lược vài nét chính cũng là lời cam kết:
Đồng hành, cùng các Bộ/ngành đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, đánh giá, dự báo từ đó cung cấp nhiều hơn, sát hơn thông tin về thế giới, khu vực, thị trường cho các doanh nghiệp.
Quảng bá, ngành Ngoại giao nói chung, trưởng các CQĐD nói riêng sẽ thực sự thành “đại sứ” của hàng hóa, dịch vụ và con người Việt Nam.
Hỗ trợ, chia sẻ, nơi đâu có CQĐD của Việt Nam, nơi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ.
Thưa các quý vị đại biểu,
Sau đây, tôi xin mời toàn thể quý vị đại biểu dự phiên kết nối trực tiếp giữa các Trưởng CQĐD và doanh nghiệp theo nhóm khu vực để hai bên có thể chia sẻ trực tiếp những nguyện vọng, mong muốn và gửi gắm.
Chúc quí vị thành công, chúc buổi kết nối chất lượng và hiệu quả.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Ngoại giao kiến tạo Ngày 10/8, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, nhân dịp các Đại sứ và trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ... |
Hướng tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà ... |