📞

Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn: Muốn đi xa, phải đi cùng nhau

14:28 | 13/07/2018
Câu chuyện về xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn” ngày 12/7.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2011- 2017, cả nước đã thành lập được 181.622 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tham gia tiến hành kiểm tra tại gần 4 triệu cơ sở, phát hiện 778.301 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 72.135 cơ sở với số tiền gần 190 tỷ đồng.

Trong bối cảnh các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều doanh nghiệp đều nhận thức, muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao ý thức trong việc áp dụng thiết bị, công nghệ để sản xuất thực phẩm an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam chia sẻ, liên kết chuỗi để phát triển bền vững chính là hướng đi mà Liên hiệp đang hướng tới.

Phiên thảo luận với sự tham gia đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội thảo ngày 12/7. (Ảnh: Vi Vi)

Nhấn mạnh thông điệp “Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”, ông Tuấn cho biết Việt Nam hiện có tới hàng nghìn mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một mình hợp tác xã đơn lẻ sẽ không làm nổi mà phải biết liên kết, hợp tác để sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ trên các kênh phân phối hiện đại. “Chúng tôi muốn đồng hành với các kênh bán lẻ lớn và cam kết về chất lượng sản phẩm trước doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Tuấn khẳng định.

Từ góc độ của một nhà bán lẻ, bà Lê Thị Mai Linh – Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group chia sẻ, với phương châm “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, Tập đoàn đã đưa ra chiến lược lấy an toàn và thị hiếu của người tiêu dùng làm mục tiêu hàng đầu.

Theo bà Linh, phần lớn các hộ nông dân hiện nay vẫn giữ nếp tư duy cũ, theo thói quen kiểu “ai trồng gì, mình trồng nấy”, thiếu kiến thức về quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản thực phẩm… Để hỗ trợ người nông dân, thời gian gần đây Central Group bắt đầu triển khai chương trình thu mua tận vườn, làm việc trực tiếp với các hộ nông dân nhỏ, lẻ để đưa sản phẩm có chất lượng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của siêu thị Big C Việt Nam.

“Ngoài các nhà cung ứng lớn, Big C cũng rất quan tâm và thích làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp nhỏ lẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Làm sao để các nhà sản xuất nhỏ lẻ, các hộ nông dân nhỏ lẻ cùng phát triển với mình. Khi mình lớn lên thì họ cũng lớn lên, có tư duy và nhận thức và thị trường tốt hơn, thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đi lên”, bà Linh cho biết.

Sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức hiện đại là kết quả tất yếu theo xu hướng thế giới và nhu cầu tiêu dùng của người dân. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức hiện đại là kết quả tất yếu theo xu hướng thế giới và nhu cầu tiêu dùng của người dân (hiện chiếm khoảng 20-25%).

Trước thực trạng thực phẩm chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp; việc phân tích đánh giá nguy cơ ô nhiễm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đảm bảo là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện tư vấn hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến như HACCP, ISO 22000:2005; tư vấn cho các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Bộ cũng đang hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm như lúa, ớt, khoai tây, hành củ cải, bó xôi, gà thịt an toàn sinh học, rau an toàn… giúp nông sản, hàng hóa tránh được việc “được mùa mất giá”, hàng hóa được truy xuất nguồn gốc xuất xứ.