Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ các sự kiện thuộc Diễn đàn APEC 2017 sẽ diễn ra từ ngày 18- 20/6 tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh).
Thuận lơi đan xen thách thức
Những năm gần đây, hợp tác du lịch giữa các nền kinh tế thành viên APEC luôn được quan tâm đặc biệt. APEC trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Theo thống kê, năm 2015, du lịch APEC đón trên 396 triệu lượt khách, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp.
Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. |
Du lịch APEC đang trên đà tăng trưởng bền vững, bao trùm và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, ngành du lịch đã góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, sự thịnh vượng chung và kết nối trong khu vực. Các Bộ trưởng Du lịch APEC đã đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 800 triệu lượt du khách quốc tế đến khu vực này.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên. Vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới các mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch.
Mặc khác, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch đóng góp 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt có thể ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên hoang dã.
Như vậy, du lịch là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên. Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành. Nhưng đi cùng với sự tăng trưởng, du lịch APEC được dự đoán cũng sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, khí hậu toàn cầu. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên APEC.
Sáng kiến của Việt Nam và cơ hội của Quảng Ninh
Trong khuôn khổ Hội nghị SOM 1 tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết, với mong muốn tìm tiếng nói chung trong định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững, đồng thời thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, với sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên.
Theo kế hoạch, ba nội dung chính sẽ được bàn tới là Phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh thế giới thay đổi; Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp APEC và Tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững trong APEC. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn APEC sẽ thảo luận và thông qua Tuyên bố của Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững. Các văn kiện quan trọng này sẽ được trình lên Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí địa lý thuận lợi, văn hoá đa dạng với vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới và được vinh danh là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhiều giá trị văn hoá - nhân văn đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển các loại hình du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Với quan điểm phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tận dụng “cơ hội nhiều năm có một”, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế quy mô lớn được tổ chức thành công.
Sáng kiến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành định hướng, mục tiêu của phát triển du lịch trong giai đoạn mới, giai đoạn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Dù chưa lường trước được những dị thường do thời tiết đem đến, các chính sách có thể kêu gọi các bên nâng cao nhận thức và sẵn sàng hợp tác, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là những kết quả mà một địa phương có mũi nhọn phát triển kinh tế du lịch như Quảng Ninh, nhưng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, mong muốn được tiếp thu.