Cảnh sát trưởng khu vực Cesar Binag cho biết lệnh đóng cửa đã có hiệu lực từ đêm với việc khách du lịch bị cấm lên phà, phương tiện duy nhất để đến Boracay. Khoảng 600 cảnh sát đã được triển khai tại khu vực này, trong đó có các nhân viên an ninh chống bạo động. Trong thời gian đóng cửa, chỉ có cư dân với thẻ căn cước được phép lên phà tới hòn đảo hiện có 40.000 dân này.
Trong sáng 26/4, cảnh sát đã bắt đầu tuần tra dọc bãi biển để đảm bảo người dân chỉ bơi lội tại một khu vực được cho phép. Trong khi đó, các thuyền bị cấm di chuyển trong vòng bán kính 3km từ đường bờ biển và chỉ có người dân Boracay mới được phép đánh cá trong vùng biển này.
Khách du lịch tại thiên đường nghỉ dưỡng Boracay, Philippines. (Nguồn: Getty Images) |
Chính phủ Philippines cho biết việc tăng cường an ninh mạnh là nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ bất ổn phát sinh từ việc đóng cửa hòn đảo Boracay.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên Boracay đã làm môi trường của hòn đảo này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển thông qua các hệ thống thoát nước hiện nay. Cụ thể, khoảng 300 doanh nghiệp được cho là đã phớt lờ các quy định về vệ sinh môi trường, trong đó 51 doanh nghiệp đã nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền.
Ngày 4/4, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết Tổng thống đã ra lệnh đóng cửa "thiên đường" du lịch này từ ngày 26/4 tới. Theo giới chức Philippines, dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, song họ vẫn phải áp dụng biện pháp cứng rắn này nhằm khôi phục hệ sinh thái biển cho hòn đảo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ước tính mỗi năm hòn đảo này thu hút tới 2 triệu lượt du khách và đóng góp tới 20% doanh thu cho ngành du lịch. Việc đóng cửa hòn đảo này sẽ tác động mạnh đến ngành du lịch, khiến khoảng 17.000 nhân viên làm trong các khu nghỉ dưỡng sẽ mất việc làm.