Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhắc tới những hình ảnh đó khi chia sẻ về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và những đóng góp của Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (ảnh: Nguyễn Hồng) |
2020 Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã sẵn sàng như thế nào cho nhiệm vụ này, thưa Phó Thủ tướng?
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Năm 2010, Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN. Như tôi từng nói nhiều lần, Việt Nam hay lo xa, chúng ta đã chuẩn bị cho vai trò này từ rất sớm. Cuối tháng 12 đã chính thức thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN do tôi làm Chủ tịch. Từ đó cho thấy bản chất người Việt Nam luôn luôn chuẩn bị trước, đây là kinh nghiệm để chúng ta có nhiều thành công như khi làm Chủ nhà APEC 2017, chúng ta đã chuẩn bị từ 2, 3 năm trước đó.
Với năm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta phải chuẩn bị bảo đảm thành công nội dung ASEAN 2020, công tác hậu cần, lễ tân… Chúng ta tin rằng khâu tổ chức sẽ thành công, trở thành “lệ” Việt Nam đã tổ chức là thành công. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải quảng bá để nâng tầm Việt Nam. Ủy ban quốc gia về ASEAN được thành lập để có đủ thời gian chuẩn bị tốt nhất cho vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Đặc biệt, việc thực hiện vai trò này cũng hướng tới thực hiện đúng theo tinh thần của chỉ thị Ban Bí thư ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Cộng đồng ASEAN thời gian qua đã có những tiến triển tích cực nhưng cũng có những khó khăn nhất định, Chủ tịch ASEAN 2020 phải nỗ lực hết sức chủ động, hiệu quả, sáng tạo trong vai trò của mình.
Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), xin Phó Thủ tướng cho biết mục đích của việc ứng cử này?
Việt Nam đang ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 6 này. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008-2009, Việt Nam đã là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, khi ứng cử lần đầu tiên chúng ta đã giành được số phiếu rất cao, thể hiện các nước thực sự tin tưởng vào Việt Nam có thể đảm nhận vai trò này.
Sau 10 năm, với những đóng góp của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2009 tại ĐHBA LHQ cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay, các nước sẽ đặt tin tưởng ở mức cao hơn, kỳ vọng cao hơn về vai trò của Việt Nam trong vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Điều đó vừa là cơ hội để chúng ta hy vọng có số phiếu cao nhưng cũng là thách thức khi phải đáp ứng kỳ vọng của các nước.
Giai đoạn trước Việt Nam đã tham gia, nhưng giai đoạn này phải có sự tham gia chủ động, tích cực hơn tại LHQ. Hiện nay, chúng ta rất mừng khi được nhóm châu Á nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất vào HĐBA, thể hiện sự tin cậy của nhóm các nước châu Á.
Việc trở thành viên của HĐBA LHQ, có nghĩa chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề của chúng ta, vấn đề của khu vực mình mà đã tham gia vào vấn đề toàn cầu, có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, nhất là với an ninh, hòa bình, chiến tranh của các nước trên thế giới, thể hiện vai trò trách nhiệm của chúng ta cao hơn.
Đây là cơ hội chúng ta thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư. Khi là Chủ tịch ASEAN 2020 và đồng thời trúng cử đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có cơ hội rất lớn nhưng gánh nặng cũng tăng lên không chỉ gấp 2 mà thậm chí gấp 10 lần. Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị hết sức tích cực, với những kinh nghiệm của lần làm thành viên của HĐBA LHQ trước, lần này với những vấn đề khó khăn phức tạp hơn, chúng ta hết sức chủ động, nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Bệnh viện dã chiến 2 số 1 tại Bến Nhà Rồng trước ngày lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Nguồn: TTXVN) |
Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ?
Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã thể hiện chúng ta là thành viên có trách nhiệm của LHQ. Tôi đã tham gia vào tiến trình đi đến quyết định này từ rất lâu. Có thể nói, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là quyết định ở tầm khác hẳn trước đây của Việt Nam, khi chúng ta chỉ tham gia các hội nghị quốc tế hay các diễn đàn quốc tế.
Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình thể hiện chúng ta mong muốn đóng góp vào việc xây dựng hòa bình ở trên thế giới chứ không chỉ ở khu vực. Các nước rất kỳ vọng sự tham gia của Việt Nam, nhất là ở khu vực có xung đột hay các vấn đề bất ổn xảy ra, hình ảnh bộ đội Việt Nam với mũ sao vàng, luôn luôn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã đóng góp, tạo niềm tin cho những con người nơi đây. Sự tham gia của Việt Nam vừa thể hiện trách nhiệm, vừa đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của những khu vực đó.
Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từng bước, từng bước, từ con số 1, 2 người cho đến nay đã có 29 cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử bệnh viện dã chiến cấp hai với số lượng 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ, một hình ảnh rất đẹp. Cho đến nay, LHQ đánh giá rất cao các hoạt động của chúng ta, nhất là bệnh viện dã chiến cấp hai tại Nam Sudan, một nơi đang diễn ra chiến sự hết sức quyết liệt. Điều này thể hiện quyết định sáng suốt của chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp nguyên Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Chiều ngày 14/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp ông Carlos Gutierrez, nguyên Bộ ... |
Hội nhập quốc tế về chính trị - quốc phòng - an ninh 2018 đạt kết quả quan trọng Tại cuộc hợp ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế (HNQT) trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh, Trưởng ... |
Bộ Ngoại giao trao quyết định nghỉ hưu cho 02 Thứ trưởng Tối ngày 4/01, tại Nhà khách Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính ... |