Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ) cùng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong mọi hoạt động đối ngoại đa phương, chúng ta phải chung sức với các đối tác, vì lợi ích của mình nhưng phải chia sẻ với đối tác thì mới hiệu quả. Chúng ta phải lồng cái riêng, cái đặc thù vào cái chung thì đó mới là khôn ngoan. Và đó cũng là cửa để các nước nhỏ và vừa khác “sánh vai” với nước lớn.
Xoay quanh lợi ích chung
Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, hiện nay với cả các nước lớn, khả năng định đoạt luật chơi trong các thể chế đa phương cũng bị thu hẹp, chưa kể đến các nước nhỏ và vừa. Để “chơi” cùng các nước lớn, chúng ta phải thượng tôn luật pháp, hợp lực cùng các đối tác khác. Thêm nữa, bên cạnh lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng ta phải biết xoay quanh lợi ích chung, khai thác điểm chung để phát huy được vai trò trên “đấu trường” đa phương.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. (Ảnh: Quang Hòa) |
Mặt khác, trên thực tế, các nước lớn cũng phải tranh thủ các nước nhỏ và vừa. Đặc biệt, khi các nước lớn đấu tranh với nhau, có những cái khó có thể dung hòa, hoặc là niềm tin, khả năng xử lý các vấn đề giữa các cường quốc còn hạn chế, thì lại cho phép các nước nhỏ và vừa có cơ hội tương tác để tạo ra sự cân bằng giữa các cường quốc. Không chỉ các nước lớn, các nước nhỏ và vừa cũng có khả năng đóng góp xử lý các vấn đề như xử lý khủng hoảng, xung đột và điều hòa lợi ích của mình.
“Lợi ích của những nước như Việt Nam bắt nguồn từ sự thượng tôn luật pháp, đề cao những giá trị chung của nhân loại, với tinh thần đối thoại xây dựng và hợp tác chân thành. Khi đó, lợi ích của Việt Nam sẽ được phát huy một cách hữu hiệu nhất”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định.
Cầu thị trong đối thoại
Tuy nhiên, trong các hoạt động đối ngoại đa phương, không phải lúc nào các bên cũng tìm được điểm đồng. Khi đó, nhiệm vụ của các nhà ngoại giao đa phương là phải tạo được sự đối thoại, để không biến sự bất đồng đó “bùng nổ”, phá vỡ trào lưu chung của quan hệ quốc tế là tăng cường sự đối thoại.
“Cầu thị trong đối thoại, với tinh thần xây dựng, không áp đặt sẽ đem lại lợi ích cho các nước nhỏ và vừa. Tôi nghĩ Việt Nam đã và đang phát huy tốt tinh thần này”, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói.
Các đại biểu về dự Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 năm 2014. (Nguồn: TG&VN) |
Hoạt động theo phương châm đó, tiếng nói của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ tại Geneva trong thời gian qua đã được các bên đánh giá cao. Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh: “Chúng ta được tôn trọng vì chúng ta có bản lĩnh, có nguyên tắc nhưng hết sức uyển chuyển, linh hoạt. Lợi ích mà chúng ta hướng tới là lợi ích chính đáng, phù hợp với lợi ích của nhân loại và luật pháp chung của thế giới”.
Không ngừng tự đào tạo
Đề cập đến những nhà ngoại giao đa phương, Đại sứ Nguyễn Trung Thành bày tỏ sự tự hào về đội ngũ này. Ông cho rằng đội ngũ ngoại giao đa phương của chúng ta đã mạnh hơn. Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, hoạt động đối ngoại đa phương đồng nghĩa với sự năng động, nhạy bén và tinh tế. Bởi thế, theo Đại sứ Thành thì “việc nâng cao hơn nữa trình độ và có quá trình đào tạo, tự đào tạo, tái đào tạo thường xuyên là hết sức quan trọng”.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ, thể chế cũng như nguồn nhân lực ngang với tầm của hoạt động quốc tế về đa phương là vấn đề chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa. Có thể nói, chúng ta đã có bước trưởng thành dài trong các hoạt động đối ngoại đa phương, nhưng nhìn về nhiệm vụ sắp tới, trong một thế giới đang vận động phức tạp như hiện nay, có thể nhận thấy hai điều: chúng ta còn có thể làm được rất nhiều nhưng cũng phải vươn lên rất nhiều”.