Nhỏ Bình thường Lớn

Phụ nữ vùng cao Hà Giang cùng 'dệt ước mơ' xóa đói giảm nghèo

Từ ước mơ thoát nghèo, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, những mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ tại một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế xã hội nơi miền biên viễn.

Nằm ngay cạnh dinh thự nhà họ Vương (vua Mèo) – một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang, những gian hàng trưng bày đa dạng các sản phẩm thủ công rực rỡ màu sắc của Hợp tác xã Lanh Trắng (thôn Sà Phìn A, xã Sà Phì, huyện Đồng Văn) đặc biệt thu hút khách du lịch khi ghé thăm nơi đây. Không chỉ được mua sắm, du khách còn được tham quan, tìm hiểu từ khâu dệt, nhuộm vải cho tới may khâu, ra thành phẩm ngay tại Hợp tác xã.

“Dệt ấm no” nơi cao nguyên đá

Chính thức thành lập vào năm 2017 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2018, Hợp tác xã Lanh Trắng đã trở thành mô hình khởi nghiệp thành công, một địa chỉ đỏ “dệt ấm no” nơi cao nguyên đá Đồng Văn, giúp nhiều hộ gia đình dân tộc Mông xóa đói giảm nghèo, là chốn tìm về của nhiều mảnh đời phụ nữ khó khăn, khốn khổ.

Phụ nữ vùng cao Hà Giang cùng 'dệt ước mơ' xóa đói giảm nghèo
Chị Vàng Thị Cầu - người sáng lập Hợp tác xã Lanh Trắng Đồng Văn (Hà Giang). (Ảnh: Hồng Châu)

Người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của Hợp tác xã Lanh Trắng, chị Vàng Thị Cầu (sinh năm 1973, dân tộc Mông), Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn cho biết, ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ mong muốn được chị ấp ủ và trăn trở bấy lâu nay, đó là giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trắng. Khi đưa ra ý tưởng, Bí thư huyện ủy đã rất ủng hộ và khuyến khích chị dạy nghề cho các chị em trong thôn. Nghĩ là làm, Hợp tác xã Lanh Trắng đươc thành lập ngay sau đó với số lượng hơn 20 xã viên ban đầu.

Rất nhiều chị em xã viên đến với Hợp tác xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người thì bị khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thì bị mua bán qua biên giới tìm đường trở về, người thì đi lao động trái phép... Nhiều người tìm đến Hợp tác xã để học nghề rồi dần trở thành thành viên của Hợp tác xã.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Lanh Trắng đã có 125 xã viên, trong đó nhiều người góp cổ phần, còn lại chị em làm việc tại 7 tổ liên kết tại các xã, thị trấn trong toàn huyện. Thu nhập của các chị em xã viên trong Hợp tác xã nhờ thế cũng cải thiện đáng kể, dao động từ 5-7 triệu đồng/người/ tháng, tăng gấp nhiều lần so với việc canh tác nông nghiệp trước đây. Từ đó, chị em dần tự chủ cuộc sống, có tiếng nói nhiều hơn trong gia đình, cộng đồng, nạn bạo hành gia đình nhờ thế mà giảm đáng kể.

“Chính quyền phối hợp với Hợp tác xã vào từng thôn, xã để khảo sát. Những chị em ở các hộ nghèo có nhu cầu tham gia vào Hợp tác xã, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa. Ví dụ với nhóm chuyên dệt vải, chúng tôi sẽ hỗ trợ những giống cây lanh để họ trồng, cam kết thu mua toàn bộ số vải lanh mà họ dệt. Sau đó, chúng tôi mang vải về Hợp tác xã, nhuộm màu và may thành phẩm rồi xuất hàng. Hiện tại, thị trường Lào vẫn là chủ lực, chiếm 70% do cộng đồng dân tộc Mông tại Lào cũng khá lớn”, chị Cầu chia sẻ.

Để tiếp thị và quảng bá sản phẩm, chị Cầu đã cho xây dựng website về Lanh trắng Đồng Văn, cập nhật hình ảnh về các mẫu sản phẩm mới nhất của Hợp tác xã, xây dựng trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, quảng cáo trên Zalo...; đại diện Hợp tác xã tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương tại các hội chợ thương mại, triển lãm… trong và ngoài tỉnh. Ban giám đốc thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề ở các xã, thậm chí sang cả các huyện lân cận như Xín Mần, Mèo Vạc để liên kết với các dân tộc khác, sáng tạo thêm các mẫu hoa văn phục vụ sản xuất.

Phụ nữ vùng cao Hà Giang cùng 'dệt ước mơ' xóa đói giảm nghèo
Nhiều phụ nữ dân tộc Mông được dạy nghề và thoát nghèo sau khi tham gia Hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn. (Ảnh: Hồng Châu)

Dám nghĩ, dám làm, mô hình khởi nghiệp Hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn do chị Vàng Thị Cầu sáng lập đã hai lần giành Giải thưởng Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Một vài sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã đã đạt được chứng nhận OCOP như gối tựa vuông, túi xách to…

“Phụ nữ hay đàn ông đều có ước mơ, nhưng để thực hiện ước mơ, phụ nữ sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều. Với phụ nữ đồng bào dân tộc Mông, rất nhiều người không nói được tiếng phổ thông, tỷ lệ mù chữ gần 90% nên ước mơ của họ rất khó thực hiện. Tôi muốn thay đổi, muốn vươn lên. Thành lập Hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn là cách tôi thực hiện ước mơ của mình”, chị Cầu tâm sự.

Không khỏi tự hào khi nhắc về mô hình khởi nghiệp đang giúp chị em phụ nữ người Mông “dệt ấm no” nơi miền biên viễn, ông Thào Mí Hờ - Phó Chủ tịch xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khẳng định, Hợp tác xã đã mang lại “bộ mặt mới” cho cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Bao quanh là trùng trùng núi đá, điều kiện canh tác khó khăn, trước khi Hợp tác xã ra đời, người Mông nơi đây quanh năm đối mặt với đói nghèo. Xã Sà Phìn có hơn 3.000 hộ dân, 100% là người Mông trắng nhưng có đến 45% hộ thuộc diện nghèo đa chiều.

“Hợp tác xã Lanh Trắng Đồng Văn đã giúp cho nhiều gia đình xã Sà Phìn A thoát nghèo thành công, từ đó góp phần giảm đáng kể những hủ tục trước đây như tảo hôn, hôn nhân cận huyết…Tham gia vào mô hình, đời sống của người dân khấm khá lên rất nhiều. Từ lúc thành lập Hợp tác xã, chị em có việc làm, lại làm ngay gần nhà, có thu nhập, nhiều chị em làm tốt còn đóng vai trò là trụ cột kinh tế trong gia đình”, ông Hờ cho biết.

Là một trong những xã viên tham gia Hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn ngay từ những ngày đầu, chị Sùng Thị Si trước đây chỉ biết làm nương, rẫy, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Chồng chị không có việc làm, nghe chúng bạn rủ rê qua biên giới lao động trái phép rồi lại trở về với hai bàn tay trắng. Kinh tế gia đình luôn trong tình trạng túng quẫn, căng thẳng con cái không được đi học đầy đủ.

“Từ ngày tham gia vào Hợp tác xã, cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể, có thêm đồng ra đồng vào để chăm lo cho con cái. Không chỉ gia đình tôi, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn nhờ Hợp tác xã đã thoát được nghèo. Chúng tôi luôn noi gương chị Cầu – một tấm gương nghị lực, giỏi giang và năng động”, chị Si cho hay.

Xóa nghèo từ cây tam giác mạch

Gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, huyện Mèo Vạc có 17 dân tộc cùng chung sống, số hộ nghèo đa chiều chiếm khoảng 60%. Do khó khăn về điều kiện tự nhiên bởi chủ yếu là núi đá, đất sản xuất ít, cây lương thực của người dân Mèo Vạc vẫn là cây ngô, chăn nuôi chưa phát triển, thường xuyên thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Hoàng Thị Hiên (36 tuổi, người dân tộc Tày) lấy chồng và về làm dâu tại một gia đình người Mông tại huyện rẻo cao Mèo Vạc (Hà Giang). Giống như nhiều hộ gia đình khác trong thôn, đời sống gia đình chị Hiên trước đây cũng gặp nhiều khó khăn khi chủ yếu chỉ loanh quanh với ruộng vườn, chăn nuôi gia súc.

Phụ nữ vùng cao Hà Giang cùng 'dệt ước mơ' xóa đói giảm nghèo
Không chỉ là một "đặc sản" về du lịch, những sản phẩm từ cây tam giác mạch cũng đang góp phần giúp người dân Mèo Vạc (Hà Giang) xóa đói giảm nghèo. (Nguồn: Ivivu)

Không cam chịu đói nghèo, qua những kinh nghiệm thực tế và học hỏi nhiều nơi, cô kỹ sư nông nghiệp Hoàng Thị Hiên bàn với chồng quyết định chuyển hướng. Được sự động viên và tạo điều kiện của chính quyền, chị Hiên cùng một số hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh homestay theo mô hình du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi).

Ngoài nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh homestay, chị Hiên nhận thấy, ngoài nổi tiếng bởi những địa danh du lịch độc đáo như sông Nho Quế, hẻm Tu Sản, chợ tình Khâu Vai…huyện Mèo Vạc còn đặc biệt hấp dẫn du khách với những cánh đồng hoa tam giác mạch. Cây hoa tam giác mạch lại rất dễ trồng, chỉ cần vãi hạt là cây lên được, không phải tốn công chăm sóc và hầu như không bị sâu bệnh phá hoại nhưng lại cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây ngô; trong khi đó lại được địa phương hỗ trợ về giống và phân bón.

Từ những kiến thức nông nghiệp được học trên ghế giảng đường, cộng thêm với những trải nghiệm, quan sát thực tế, chị Hiên đã quyết định thành lập Hợp tác xã Pả Vi, chuyên thu mua hạt tam giác mạch để sản xuất các sản phẩm từ hạt tam giác mạch. Sau một vài lần thử nghiệm thất bại, chăm chỉ rút kinh nghiệm, Hợp tác xã Pả Vi đã cho ra những sản phẩm có chất lượng và được người tiêu dùng chấp nhận, yêu thích như bánh tam giác mạch, kẹo tam giác mạch, bún khô từ tam giác mạch, trà tam giác mạch…

Phụ nữ vùng cao Hà Giang cùng 'dệt ước mơ' xóa đói giảm nghèo
Chị Hoàng Thị Hiên chia sẻ về các sản phẩm từ hạt cây tam giác mạch của Hợp tác xã Pả Vi. (Ảnh: Hồng Châu)

Hiện doanh thu từ Hợp tác xã mang lại cho gia đình chị Hiên nguồn thu nhập ổn định từ 30-40 triệu đồng/năm, chủ yếu được phân phối qua các cửa hàng, siêu thị nhỏ lẻ tại các thị xã, thị trấn trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm được đưa đi giới thiệu tại các Hội chợ về OCOP của tỉnh. Đáng chú ý, sản phẩm bột tam giác mạch của Hợp tác xã đã được một nhà hàng lớn trong TP. Hồ Chí Minh thường xuyên mua với số lượng lớn để làm mì tươi.

Thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã Pả Vi hiện dao động trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng, số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp nhiều gia đình ở Mèo Vạc bớt khó khăn, thêm điều kiện để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, việc Hợp tác xã thu mua hạt tam giác mạch với giá trung bình là 30.000 đồng/kg cũng góp phần khuyến khích bà con nơi đây tích cực trồng cây, vừa để phát triển du lịch, vừa thu hoạch hạt, có thêm thu nhập.

Bến Tre phát triển đa dạng sinh kế, nỗ lực thoát nghèo bền vững

Bến Tre phát triển đa dạng sinh kế, nỗ lực thoát nghèo bền vững

Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3% và đến cuối năm 2030, tỷ lệ hộ ...

Cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo

Cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo

Trong năm 2022, Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã trao tặng 17.167 bộ áo phao cứu sinh đa năng cho ...

Phát triển du lịch cộng đồng, tạo nguồn sinh kế cho người dân

Phát triển du lịch cộng đồng, tạo nguồn sinh kế cho người dân

Du lịch cộng đồng hiện đang được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất ...

Quảng Nam: Di dân để phát triển sinh kế

Quảng Nam: Di dân để phát triển sinh kế

Trước sự bất thường của thiên tai ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chủ trương di dân, sắp xếp lại dân cư đến nơi ...

Hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân Đắk Nông

Hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân Đắk Nông

Sau mùa lũ lụt năm 2023, cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai tại huyện Tuy Đức và ...