Phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Đại dịch không giống Chiến tranh. (Nguồn: Fairobserver) |
Khi đại dịch hạch kinh hoàng và chết chóc nhất lịch sử nhân loại - “Cái chết đen" bùng phát khắp châu Âu (1348-1349) đi qua, lần đầu tiên người lao động trên toàn châu lục này thật sự được nắm quyền lực.
Các công nhân dệt may tại St. Omer của nước Pháp nêu yêu sách và đã được đáp ứng tăng lương 3 lần liên tiếp trong năm diễn ra đại dịch. Nhiều liên đoàn công nhân khác đã đình công để được giảm giờ làm việc và trả lương cao hơn.
Năm 1351, chính quyền Pháp tăng cao hơn 1/3 so với mức lương của công nhân trước đại dịch. Như vậy, có thể nhận thấy, đại dịch đã góp phần hình thành nên các nền văn minh, thậm chí có luận điểm cho rằng, không hẳn tất cả mọi thứ đều tồi tệ, đôi khi chúng đã đem lại những thay đổi tích cực.
Đại dịch “Cái chết đen” kéo dài chưa đến 2 năm, đã làm giảm khoảng 40% dân số châu Âu. Đó là lý do khiến vai trò của những người lao động còn sống sót trở nên quan trọng hơn. Một nghiên cứu gần đây của Cục Dự trữ Liên bang San Francisco, Mỹ cũng đưa ra kết luận, các dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn “Cái chết đen” như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, dịch cúm H1N1 năm 2009… cũng có tác động tương tự.
Trong các tình huống khẩn cấp, nhiều chính phủ tại châu Âu đã trợ cấp tiền lương cho người lao động. Những người lao động may mắn khỏe mạnh buộc phải làm việc cật lực trong khi nhiều người khác đang phải cách ly. Dịch bệnh sẽ làm nhiều thứ thay đổi, trong đó nhiều ngành nghề kinh doanh phải sa thải nhân viên, do đầu ra gặp khó khăn, thì cũng có những ngành khác có xu hướng ngược lại, chẳng hạn các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hiện nay. Thậm chí, bán hàng online còn được dự báo sẽ tiếp tục trở thành xu hướng áp đảo trong năm 2020, rồi dần dần tạo thành thói quen tiêu dùng mới và phổ biến của thị trường.
Amazon mới đây tiết lộ kế hoạch tuyển thêm 100.000 nhân viên để đáp ứng nhu cầu mua hàng online của người dân Mỹ, đồng thời tăng lương 2 USD/giờ cho nhân viên tính tới cuối tháng 4; tăng thêm 2 bảng Anh/giờ tại Anh, tăng thêm 2 Euro/giờ tại châu Âu.
Walmart cũng cho biết kế hoạch mở rộng đội xe tải. Họ sẽ thuê thêm 500 tài xế trên khắp khu vực bờ Tây và bờ Ðông nước Mỹ. Hiện tại, Walmart đang sử dụng hơn 9.000 tài xế. Doanh nghiệp cho biết, kế hoạch doanh thu thuần năm nay dự kiến tăng 30% và họ đang lên kế hoạch tăng thêm lương cho nhân viên…
Một kết luận đáng chú ý khác của nghiên cứu là “không có sự phục hồi đáng kể nào sau các đại dịch, bởi đại dịch không giống như chiến tranh, các cơ sở hạ tầng và máy móc không bị phá hủy nên không cần khôi phục.
Một số chính trị gia châu Âu, trong đó có Thủ tướng Tây Ban Nha mới đây đã lên tiếng kêu gọi một “Kế hoạch Marshall mới” nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực tài chính và kinh tế.
Tuy nhiên, có thể xem là quá lạc quan khi vẽ lên một kế hoạch tương tự Marshall trong lúc này, bởi “Kế hoạch Marshall” hướng tới việc phục hưng châu Âu thông qua các khoản viện trợ và cho vay, với tổng giá trị lên tới khoảng 13 tỷ USD và được phân bổ trong giai đoạn từ tháng 4/1948 tới tháng 6/1951. Đây vốn là một chương trình lớn mà Mỹ đầu tư nhằm tái xây dựng Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới II, khi nhiều nền kinh tế khu vực này rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, tiền mặt khan hiếm, tình trạng vô gia cư và nạn đói hoành hành trên khắp các nước bị chiến tranh tàn phá.
Nhưng so với thực tế hiện nay, nhiều đặc điểm không hoàn toàn giống như vậy. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đánh giá lãi suất tự nhiên thực tế sau các đại dịch và so sánh chúng dưới tác động của các cuộc chiến tranh, họ nhận ra rằng, đại dịch và chiến tranh có tác động hoàn toàn khác nhau. Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh mới đây đánh giá lãi suất tự nhiên thực tế của năm 1311 - giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch “Cái chết đen”, cho thấy, các cuộc chiến tranh dẫn tới tỷ lệ lãi suất thực tế cao hơn, đồng nghĩa với hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, các đại dịch sẽ khiến lãi suất thực tế giảm, đồng nghĩa với hoạt động kinh tế trì trệ. Điều có thể kết luận ở đây là sau các đại dịch sẽ không thiếu nguồn vốn, khác hẳn với tình trạng kinh tế sau các cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, nền kinh tế sẽ có xu hướng tích trữ hơn là đầu tư. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người cho rằng, họ cần tiết kiệm nhiều hơn nên sẽ giảm tiêu dùng, dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác nhau về tâm lý. Sau mỗi cuộc chiến tranh, trong khi nước giành chiến thắng cảm thấy thỏa mãn với thành công thì nước thất bại tập trung tái xây dựng và khôi phục danh dự dân tộc. Nửa sau thế kỷ 20 và sự nổi lên của các nền kinh tế Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng cho điều này.
Trong khi đó, sau một đại dịch toàn cầu, mọi người không ai có tâm trạng chiến thắng, những người sống sót thường cảm thấy có lỗi. Tiêu dùng và đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi những sang chấn tâm lý hậu khủng hoảng.