📞

Press Corner Đại sứ với Doanh nghiệp: Xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

NHÓM PV-TGVN 10:18 | 10/12/2021
Triển khai chủ đề "Hoạt động Ngoại giao phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế - Giải pháp hỗ trợ và hành động", hơn bao giờ nhiệm vụ này trở thành nhu cầu cấp thiết không chỉ làm rõ thêm những mong mỏi của các doanh nghiệp đối với ngành Ngoại giao nói chung, các CQĐD nói riêng, mà còn giúp Bộ Ngoại giao điều chỉnh, cải tiến và làm tốt hơn công tác Ngoại giao kinh tế.
Press Corner Đại sứ với Doanh nghiệp: Xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm. (Ảnh: Quang Hoà)

Báo Thế giới & Việt Nam triển khai Góc truyền thông (Press Corner) bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp, nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và livestream trên Báo điện tử baoquocte.vn.

Tham dự phiên Toạ đàm thứ nhất có sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Minh Hằng; Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương; Bà Bùi Thị Thanh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh.

Tại Press Corner, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Minh Hằng chia sẻ, Tọa đàm Đại sứ và Doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 13 là xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ và đây là kim chỉ nam của các hoạt động của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao xác định, trọng tâm của ngành ngoại giao là phục vụ cho phát triển đất nước và huy động tổng lực của ngành ngoại giao, đặc biệt là mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Trong ngoại giao phát triển, ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, và trong ngoại giao kinh tế thì sẽ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Điều này, cũng đặt ra nhiều yêu cầu rất mới cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.

Vụ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng cho biết về 3 trong nhiều ưu tiên của Bộ Ngoại giao thời gian tới. Thứ nhất, tăng cường công tác tham mưu, dự báo, cảnh báo và hỗ trợ về mặt thông tin đối với các doanh nghiệp trong nước. Công tác tham mưu, dự báo yêu cầu phải nhanh hơn, kịp thời hơn, sát sườn hơn…Thứ hai, chú trọng hơn về công tác kết nối, đồng hành, hỗ trợ, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần phải thúc đẩy hơn nữa.Thứ ba, khẳng định sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng cần phải chú trọng.

Đối thoại cùng doanh nghiệp tại Tọa đàm, bà Hằng khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp và xác định doanh nghiệp là trọng tâm trong các chương trình hành động về ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải coi các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài như một ngôi nhà của mình, là người đồng hành trong quá trình “vươn ra biển lớn”.

Trao đổi về vai trò của doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, doanh nghiệp chính là nền tảng xây dựng đất nước và doanh nghiệp cần có chỗ đứng nhiều hơn nữa trong trái tim, chính sách của Việt Nam

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, không có thị trường nào khó tính và đòi hỏi cao hơn thị trường và người tiêu dùng Nhật Bản. Nếu vào được thị trường Nhật Bản thì đó là niềm tự hào của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam. “Vào được thị trường Nhật Bản thì uy tín của chúng ta sẽ tăng lên. Chưa kể thị trường Nhật Bản sức mua rất tốt”, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh.

Đại sứ Vũ Hồng Nam khuyến nghị, chúng ta hiện đã có các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… để tận dụng tốt những lợi thế này thâm nhập thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải làm ngay, tiếp cận ngay, sản phẩm của họ thuộc dòng thuế nào, yêu cầu gì? Ngoài ra, các quy định pháp luật, cơ sở thuế, thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật… doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu và tuân theo.

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, có rất nhiều nông sản Việt Nam có thể xuất sang Nhật, từ rau mùi, rau muống, quả cà… cho tới mắm tôm, nước mắm... ”Chúng ta nên tranh thủ cơ hội này”, ông nói, đồng thời lưu ý, nông sản của Việt Nam và Nhật Bản không mang tính cạnh tranh, mà mang tính bù trừ cho nhau, do vậy nông sản Việt Nam vẫn sẽ luôn có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, vấn đề là phải đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của phía bạn.

Chia sẻ một câu chuyện thú vị trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam kể lại, trong một lần đến tham quan Hội đồng thành phố, ông có tình cờ gặp các em thiếu nhi và được biết, các em đều biết đến quả vải của Việt Nam nhưng chưa có cơ hội được thưởng thức. Ngay sau đó, Đại sứ đã gửi một thùng vải đến tận trường nơi các em đang theo học và nhận được phản hồi rất tốt từ phía nhà trường và các phụ huynh.

“Ngay sau đó đại diện của Aeon Mall đã liên hệ ngay với chúng tôi và phải thốt lên rằng: Các ông đã làm được điều mà chúng tôi chưa làm được. Rõ ràng, chỉ một hành động nhỏ và đơn giản thế thôi, quả vải Việt Nam đã đến được với người tiêu dùng Nhật theo cách gần gũi nhất”, Đại sứ Vũ Hồng Nam hào hứng chia sẻ.

Bày tỏ sự xúc động khi được mời chia sẻ và đối thoại trực tiếp với các Đại sứ tại Toạ đàm, Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương đánh giá, Hội nghị Ngoại giao lần 31 là sự kiện quan trọng, cho thấy vai trò của doanh nghiệp, vai trò của người dân trong phát triển kinh tế quốc dân cũng như hộ gia đình.

"Chúng tôi rất xúc động khi những nỗ lực từ trước đến nay đã được ghi nhận, bên cạnh đó, sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện này đã cung cấp nhiều thông tin, tìm hiểu thị trường, giúp các doanh nghiệp kết nối với các đại sứ để gửi gắm tâm tư trong hoạt động kinh doanh tại nước ngoài", bà Hương Liên nói.

Giới thiệu về Sao Thái Dương là công ty có kinh nghiệm 21 năm trong ngành nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thảo dược Việt Nam. Văn hoá sử dụng thảo dược đã rất quen thuộc ở Việt Nam đã thành truyền thống. Trong khi đó, ngày nay, các thị trường phát triển như Mỹ, ở châu Âu khi nghiên cứu về Đông y, chăm sóc sức khoẻ, cũng đều hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

"Việt Nam từ trước đến nay nổi tiếng trong xuất khẩu về lúa gạo, tuy nhiên, phát triển hướng về sản phẩm tự nhiên sẽ là một xu hướng mới, trong đó có y tế. Sao Thái Dương mong muốn trong thời gian tới chúng ta sẽ có những bước tiến đưa nền y học cổ truyền Việt Nam đến với thế giới", Phó Tổng Giám đốc Sao Thái Dương chia sẻ.

Chia sẻ về tình hình các doanh nghiệp trong ngành gỗ và lâm sản, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, tại Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp khác nhau, trong đó có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia trong hoạt động chế biến và xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm gỗ đến 140 thị trường, ngược lại, nhập khẩu từ 110 quốc gia.

"Chúng tôi nhận thấy trong quá trình hoạt động xuất khẩu rất cần đến sự đồng hành và giúp đỡ của ngành ngoại giao. Năm nay, Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 đã nêu được phương châm “Ngoại giao Việt Nam lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế”, đây là định hướng rất thiết thực trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Ngô Sỹ Hoài nhận định.

Với tư cách là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản, ông Ngô Sỹ Hoài "đặt hàng" các cơ quan đại diện ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ mở rộng thì trường, dù sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nơi, nhưng tiềm năng còn nhiều, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục khai thác. Ông Hoài cũng khẳng định, chúng ta đã tham gia rất sâu vào thị trường gỗ thế giới, trong quá trình này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và rào cản… vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng. Các cơ quan này có thể giúp cung cấp thông tin, cảnh báo về thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tháo gỡ từng bước để doanh nghiệp hoà nhập tốt hơn, khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường nước ngoài.

Rất vui mừng vì doanh nghiệp không đơn độc trên con đường tìm kiếm và thâm nhập thị trường thế giới, bà Bùi Thị Thanh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh đưa ra "đơn đặt hàng" rất cụ thể với các đại sứ, trong đó mong muốn có một tổ tham mưu cho doanh nghiệp về thị trường, luật lệ và các vấn đề liên quan. Từ đó, doanh nghiệp hứa với những lợi ích có được, họ sẽ tiếp tục truyền cơ hội cho nông dân Việt Nam, cũng như mang lại hạnh phúc cho họ.

Kết thúc Phiên thứ nhất, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như dược phẩm, gỗ, nông sản… đều là những hàng hoá mà thị trường Nhật Bản đang thiếu, tuy nhiên vẫn cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp.

“Tại sao chúng ta lại phải ngồi chờ? Thị trường của chúng ta có rồi?” Đại sứ Vũ Hồng Nam đặt vấn đề? Ông chia sẻ, bình thường thì doanh nghiệp khi sang tìm hiểu thị trường các nước, thường xin được gặp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, còn “tại Nhật Bản, Đại sứ sẽ hỏi doanh nghiệp ở đâu, có hoạt động ở đâu, chúng tôi sẵn sàng đến chia sẻ và tìm hiểu cùng các bạn. Chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm doanh nghiệp để hỗ trợ”.

Đại sứ Vũ Hồng Nam một lần nữa khẳng định, ngoài việc hỗ trợ về pháp lý, xử lý tình huống…thì hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán.


Các diễn giả tham gia phiên Tọa đàm thứ hai (từ trái sang): Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại CH. LB Đức Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Luận Thùy Dương, Phó Trưởng ban Hội nhập quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long.

Tham dự phiên Toạ đàm thứ hai có Đại sứ Việt Nam tại CH. LB Đức Nguyễn Minh Vũ; Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành; Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long; Đại sứ Luận Thùy Dương, Phó Trưởng ban Hội nhập quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T.

Mở đầu phiên Toạ đàm, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ báo tin vui, "đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Sắp tới, chúng ta sẽ sớm nối lại các chuyến bay thương mại và đây là điều kiện quan trọng để chúng ta phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp có thể mở cửa giao lưu với bên ngoài sẽ thuận lợi hơn sau gần 2 năm đóng cửa.

Với các cơ hội dần được mở trở lại trong giai đoạn bình thường mới, Đại sứ Việt Nam tại Đức khẳng định, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, kết nối với các đối tác nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong các hoạt động xúc tiến, đầu tư với các đối tác bên ngoài… Chúng tôi tin tưởng rằng, những hoạt động này sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới”.

Cùng trong dòng chảy ngoại giao phục vụ phát triển, xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Ngoại giao. Như lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng khẳng định, phải làm sao để các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam phải là ngôi nhà chung của doanh nghiệp, địa phương. Đây là một trong những nhiệm vụ chính nhưng cũng là một thách thức đối với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, càng nhiều thách thức đặt ra trong việc đa dạng hóa thị trường, khai thác các diễn đàn... “Các cơ quan đại diện Việt Nam rất mong có sự đồng hành của doanh nghiệp và phải làm sao để đảm bảo thông tin 2 chiều giữa hai bên”, Đại sứ khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của một Tập đoàn đa ngành, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T, nhận định "Toạ đàm Đại sứ với doanh nghiệp rất hữu ích đối với cả hai chiều - doanh nghiệp và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các trưởng đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để lắng nghe, cập nhật và nắm rõ thông tin, xu thế mới cũng như sự thay đổi của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Ngược lại, các Đại sứ có thể lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng để có thể giúp đỡ doanh nghiệp, thực hiện thành công nhiệm vụ ngoại giao phát triển kinh tế".

Là một tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, T&T luôn thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để tìm hiểu thị trường, kết nối đối tác, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh. "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn thâm nhập thị trường phải có các kênh chính thống để tìm hiểu thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải “biết mình, biết ta”, hiểu nhu cầu, năng lực, thế mạnh của mình là gì cũng như hiểu rõ thị trường cần gì để có thể hội nhập và đi ra thế giới", bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.

Trong khi đó, Đại sứ Luận Thùy Dương, Phó Trưởng ban Hội nhập quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam là người rất đặc biệt khi đã kinh qua cả hai vai trò, bà từng là Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, nay là thành viên trong một Hiệp hội doanh nghiệp.

Theo Đại sứ Luận Thuỳ Dương, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu và mong muốn ra thế giới, nhưng đồng thời họ cũng cần phải có năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài để có thể duy trì chỗ đứng của mình ở thị trường quốc tế. Thực tế, khi là Đại sứ tại Myanmar, bà cho biết, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này, nhưng để tồn tại và tiếp tục phát triển là một vấn đề khác.

Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ, các đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp. Với sự chỉ đạo của Đảng đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII, cũng như lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao, việc hỗ trợ doanh nghiệp đã được khẳng định là một nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao và mạng lưới các cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, Đại sứ đã nhận ra hai điểm vướng mắc.

Thứ nhất, dù Đại sứ quán là nơi cung cấp thông tin, kết nối, hỗ trợ và bảo vệ công dân Việt Nam trên các địa bàn, thế nhưng một số doanh nghiệp khi sang thị trường nước ngoài vẫn còn thói quen tìm kiếm thông tin từ các nguồn không đảm bảo. Vì vậy, bà lưu ý các doanh nghiệp khi sang các địa bàn nên ưu tiên việc kết nối chặt chẽ với các cơ quan đại diện.

Thứ hai, ở phía các cơ quan đại diện cũng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành không chỉ về con người mà còn về nguồn tài chính, nhằm thúc đẩy việc kết nối, cũng như phục vụ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn, từ tìm hiểu thị trường đến tìm cơ hội làm ăn và tồn tại ở các thị trường nước ngoài.

Dưới góc nhìn của một thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ, xu hướng hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam đã rõ ràng, nhu cầu tìm tới các thị trường nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi vươn ra bên ngoài, các doanh nghiệp KHCN sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó 2 thách thức cơ bản là trình độ KHCN phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phải tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ.

"Lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao có tiếng nói của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Sự kiện này là cơ hội để doanh nghiệp gặp các Đại sứ và các Đại sứ có cơ hội biết đến sự hiện diện của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từ đó có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Từng là người đứng đầu Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và có thời gian làm việc bên cạnh các doanh nghiệp và địa phương, trước khi sang nhận nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long bày tỏ, ông hiểu rõ những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Đại sứ khẳng định, doanh nghiệp nếu muốn “vươn ra biển lớn” cần phải có sự đồng hành của các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành, và đặc biệt là các cơ quan đối ngoại. Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, trên cơ sở đó, nghiên cứu kỹ thị trường nước sở tại. Phương châm mà Đại sứ quán đưa ra luôn là “Kết nối, kết nối và kết nối” và đây cũng trở thành nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các đơn vị của Bộ Ngoại giao.

Chia sẻ thông tin về thị trường Vương Quốc Anh, Đại sứ Long cho biết, dù không còn là thành viên của Liên minh châu Âu nhưng Anh đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (UKVFTA), các doanh nghiệp có thể tranh thủ được các cơ hội hợp tác tại thị trường Anh thông qua Hiệp định này. Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã trưởng thành hơn, bài bản hơn và chuyển dần sang các thị trường có giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh đó, theo Đại sứ, sứ quán cũng cần phải thay đổi về chất, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Kết thúc phiên Toạ đàm thứ hai, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, với mong muốn để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Anh tốt hơn. Đại sứ Long lưu ý, hiện Anh đã mở cửa trở lại bình thường và chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch và Việt Nam cũng đang triển khai từng bước thích ứng để thích ứng an toàn. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hiện nay không phải là làm ăn kinh tế trong thời buổi dịch bệnh mà là làm ăn kinh tế trong thời buổi hậu dịch bệnh.

Trong thời gian tới, "doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề chính: Thứ nhất là kinh tế xanh; Thứ hai là kinh tế số và Thứ ba khoa học đời sống. “Doanh nghiệp cần bám vào những định hướng này và phải chuẩn bị ngay từ bây giờ”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.