Các nước Arab và vùng Vịnh cũng tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp mới chống lại Doha.
Sau cuộc họp khẩn ở thủ đô Cairo của Ai Cập, Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, bản yêu sách ban đầu gồm 13 điểm của các nước này đã không còn hiệu lực, khẳng định họ sẽ tiến hành các bước về chính trị, kinh tế và pháp lý để chống lại Qatar.
Ngoại trưởng UAE Abdellah bin Zayed al-Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa tham dự một cuộc họp báo sau cuộc về tình hình ngoại giao với Qatar tại Cairo, Ai Cập ngày 5/7. (Nguồn: Reuters). |
Bốn quốc gia Arab cho rằng, chính phủ Qatar đã hủy hoại các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và phản hồi của Doha đã xác nhận việc nước này không ngừng phá hoại an ninh và ổn định của khu vực. Tuyên bố chung cũng nêu rõ các biện pháp của bốn nước Arab và vùng Vịnh nêu trên chỉ nhắm vào chính quyền Qatar, chứ không phải người dân nước này.
Giới phân tích nhận định, việc các nước Arab cùng một vài quốc gia khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế có thể gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Qatar nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài. Doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Qatar tăng lên 7,8% GDP.
Nếu căng thẳng ngoại giao vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo ra những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này.
Đặc biệt, các rạn nứt chính trị đã gây ra nhiều bất ổn và có thể tác động đến các hoạt động thương mại, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn - nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng mà Qatar đang triển khai để đăng cai vòng chung kết World Cup 2022.