📞

Quan chức hàng đầu cảnh báo Trung Quốc sắp 'hất cẳng' Mỹ trong cuộc đua khoa học công nghệ toàn cầu

Tú Oanh 13:29 | 11/07/2024
Một quan chức khoa học cấp cao của Mỹ nhận định, Washington dường như đang "hụt hơi" trong cuộc đua giành vị trí dẫn dắt ngành khoa học công nghệ thế giới so với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang bắt kịp vô cùng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng các bài báo được xuất bản, đồng thời tăng gấp đôi số lượng bằng sáng chế mà Mỹ nộp trong năm 2021. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trong một Hội nghị khoa học được tổ chức vào tháng 6 tại Washington, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia (NAS) Marcia McNutt cho biết, Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng Trung Quốc đang vươn lên và sẽ nhanh chóng chiếm giữ vị trí này trong thời gian tới.

Theo bà McNutt - nhà địa vật lý và là nữ chủ tịch đầu tiên của NAS, năm 2021, Mỹ đã chi 806 tỷ USD cho lĩnh vực R&D, trong khi Trung Quốc chi 668 tỷ USD, nhưng tỷ lệ đầu tư của Bắc Kinh lại cao gấp đôi so với Washington.

Cũng theo nhà khoa học này, kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc, Mỹ “không chỉ dẫn đầu mà còn thống trị thế giới” trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật khi có tới 60% số giải thưởng Nobel thuộc về nước Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bắt kịp vô cùng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng các bài báo được xuất bản, đồng thời tăng gấp đôi số lượng bằng sáng chế mà Mỹ nộp trong năm 2021.

“Đây là một xu hướng đáng lo ngại với Mỹ”, bà nói.

Với nhiều phương pháp xếp hạng khác nhau, kể cả những phương pháp được các tổ chức phân tích tại Mỹ, Anh hay Nhật Bản áp dụng, đều cho thấy Trung Quốc đang vượt qua Mỹ về số lượng bài báo được trích dẫn - thước đo chính xác nhất về tác động và tầm ảnh hưởng của một nghiên cứu.

Để ngăn chặn xu hướng này, theo bà McNutt, Mỹ cần thích ứng với môi trường nghiên cứu mới nổi và dám thử “những điều mới”.

Bà McNutt còn cảnh báo, Mỹ đang trở nên “đặc biệt phụ thuộc” vào sinh viên quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), trong đó có cả sinh viên từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện tại, số lượng sinh viên nước ngoài đang đông hơn sinh viên trong nước trong các chương trình sau đại học tại các đại học Mỹ, 65% sinh viên quốc tế lựa chọn ở lại Mỹ trong ít nhất 10 năm, giúp duy trì lực lượng lao động trong ngành STEM của xứ cờ hoa.

"Theo đúng nghĩa đen, nước Mỹ không thể có đủ nguồn nhân lực cho ngành STEM nếu không có những sinh viên nước ngoài này đến và ở lại Mỹ", người đứng đầu NAS cho hay.

Dù vậy, trong khi nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực R&D của Trung Quốc tăng lên, các trường đại học Mỹ lại chứng kiến ​​số lượng sinh viên Trung Quốc sụt giảm trong những năm gần đây. “Sinh viên quốc tế có rất nhiều sự lựa chọn và Mỹ không còn là điểm đến được yêu thích nữa”, quan chức này cảnh báo, đồng thời khuyến nghị cần duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực khoa học bằng cách tăng cường giáo dục STEM và xây dựng nguồn nhân lực trong nước cho tương lai.

Bà McNutt cho rằng, Hoa Kỳ nên nỗ lực thu hút “những tài năng giỏi nhất và sáng giá nhất” từ khắp nơi trên thế giới bằng cách giảm bớt quan liêu trong việc cấp thị thực sinh viên.

Fan-Gang Zeng, một nhà khoa học đến từ Đại học California, bình luận, những nhận định của quan chức khoa học hàng đầu của Mỹ có nhiều ý tưởng hay, nhưng việc thực hiện một số khuyến nghị sẽ gặp thách thức do các mục tiêu hoặc lợi ích cạnh tranh khác nhau.

(theo SCMP)