📞

Quân dân An Giang đồng lòng giữ vững biên cương

CHIẾN KHU 13:22 | 03/08/2022
Baoquocte.vn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Hội Nông dân tỉnh An Giang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn sinh sống.

Những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phát huy có hiệu quả các chương trình phối hợp, thực hiện các mô hình, phần việc thiết thực, có sự lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng người dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tuyên truyền về đường biên, cột mốc cho Hội viên nông dân xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang. (Ảnh: Chiến Khu)

An Giang có đường biên giới dài gần 100 km, bao gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ. Tình hình kinh tế xã hội trên khu vực biên giới tiếp tục phát triển, được đầu tư phát triển về mọi mặt.

Đa số nhân dân khu vực biên giới an tâm sản xuất phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn có mối quan hệ đoàn kết gắn bó với lực lượng BĐBP, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, đời sống cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và Nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các loại tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã tác động đến việc thực hiện công tác phối hợp giữa 2 đơn vị.

Ngay từ năm 2012, Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên Hội Nông dân và nhân dân khu vực biên giới biển thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn sinh sống.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị BĐBP đứng chân trên các địa bàn vận động, hướng dẫn nông dân tích cực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, phòng chống dịch Covid-19, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép... góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn biên giới. (Ảnh: Chiến Khu)

Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân tỉnh An Giang, những năm qua hai đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể trong từng giai đoạn.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong nhân dân và hội viên nông dân trên khu vực biên giới về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật về biên giới”.

Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các Đồn Biên phòng vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội nông dân, câu lạc nông dân với pháp luật, tuyên truyền lưu động thông qua mô hình “Tiếng loa biên phòng”, tuyên truyền trên loa truyền thanh địa phương; lồng ghép tuyên truyền qua thực hiện các mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng", “Tổ đi chợ giúp dân", “Tổ truy vết”, “Chuyến xe nghĩa tình”; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; mô hình xây dựng “Điểm sáng văn hóa trên biên giới”, “Phòng đọc biên giới”, “Tủ sách pháp luật”...

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phối hợp với Hội nông dân và Đoàn thanh niên thị trấn Tịnh Biên thực hiện Mô hình tiếng loa Biên phòng tuyên truyền pháp luật. (Ảnh: Chiến Khu)

Theo Thượng tá Hoàng Văn Đặng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương: “Đơn vị phụ trách tuyến biên giới đi qua địa bàn 2 xã Vĩnh Xương và Phú Lộc, trong đó có 48 hộ dân có đất sản xuất sát biên giới, với 275ha.

Thời gian qua, Chỉ huy đơn vị đã phối hợp với Hội Nông dân 2 xã vận động thành công những hộ dân tuyến biên giới vào tổ chức Hội".

Hằng năm phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến bà con nhân dân như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, triển khai luật biên phòng, vận động nông dân không thuê đất bên biên giới Campuchia để sản xuất; trong quá trình sản xuất khi gặp sự cố gì xảy ra phải báo ngay để Đồn Biên phòng và xã nắm bắt, xử lý kịp thời…

“Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 đơn vị mà công tác tuyên truyền gặp nhiều thuận lợi, người dân chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, bà con tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”, Thượng tá Hoàng Văn Đặng chia sẻ.

Ông Trình Văn Đảnh (61 tuổi, ấp 5, xã Vĩnh Xương) nói: “Gia đình tôi có 9 công đất sản xuất lúa cặp tuyến biên giới, nhờ các cán bộ hội và các chiến sĩ BĐBP tuyên tuyền thường xuyên, trong mấy chục năm qua, ông không để xảy ra tranh chấp hay sự cố gì đối với hộ dân giáp ranh xã tỉnh bạn.

Trong quá trình sinh sống, sản xuất nếu gặp vấn đề gì liên quan đến biên giới là tôi sẽ báo cáo về cho lực lượng biên phòng hay hội nông dân để các chú xuống xử lý ngay”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương giúp dân gặt lúa bị ngập úng. (Ảnh: Chiến Khu)

Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu cho biết: “Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều đợt thăm hỏi kết hợp tuyên truyền người dân ngay tại nhà hay tại nơi sản xuất; thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con như: thu hoạch lúa, sửa chữa nhà sau mưa lũ, thăm hỏi, tặng quà, nhận đỡ đầu các em học sinh… qua đó đã tạo được niềm tin trong bà con nhân dân”.

Trong 4 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ bằng những việc làm thiết thực, Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức hơn 1.600 cuộc tuyên truyền với hơn 72.000 người dân dự nghe; phát 41.000 tờ rơi, treo 300 băng rôn, pano khẩu hiệu tuyên truyền trực quan trên khu vực biên giới.

Đến nay, toàn tuyến biên giới tỉnh đã có 74 tập thể, 98 tổ/771 hộ gia đình/983 thành viên tham gia “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” và 394 tổ/ 1.159 thành viên tham gia “Tổ tự quản an ninh trật tự” trên khu vực biên giới.

Hằng năm, các hộ nông dân đã cung cấp cho đồn biên phòng trên 200 tin có giá trị, phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ biên giới, chống lấn chiếm biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Quân y BĐBP tỉnh An Giang tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã Nhơn Hội. (Ảnh: Chiến Khu)

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang đánh giá: “Công tác phối hợp uyên truyền giữa 2 đơn vị đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân khu vực biên giới.

Tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ việc vi phạm quy chế biên giới có chiều hướng giảm.

Nông dân hăng hái lao động sản xuất, thực hiện hiệu quả các mô hình, phong trào, tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển”.

Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội Nông dân tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân và đơn vị BĐBP vững mạnh toàn diện.

Các hoạt động đó góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới và đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Ông Đỗ Văn Nhẫn, Hội viên nông dân xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên là thợ chính giúp cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nhơn Hưng xây dựng chốt vượt lũ kiểu mẫu. (Ảnh: Chiến Khu)