Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân trong cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La vào ngày 31/5. (Nguồn: Reuters) |
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân - hai nhân vật có lẽ là được chú ý nhất tại Đối thoại Shangri-La năm nay đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các ưu tiên quốc phòng hiện tại của mỗi nước và quỹ đạo của mối quan hệ then chốt Mỹ-Trung.
Một trong những điểm sáng quan trọng là cả hai Bộ trưởng Quốc phòng đều nhấn mạnh mong muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Ông Austin nêu bật "điểm hội tụ mới" (new covergence) hướng tới các nguyên tắc chung đang nổi lên giữa các quốc gia, dựa trên "tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và bầu trời, sự cởi mở, minh bạch, trách nhiệm giải trình, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và hơn thế nữa." Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định, quân đội Mỹ vẫn cam kết với khu vực và ủng hộ các nguyên tắc này cùng với các đồng minh và đối tác.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân khẳng định rằng "người dân châu Á - Thái Bình Dương cam kết đối với hòa hợp và hòa bình", và Trung Quốc theo đuổi chính sách "phòng thủ", phản đối chủ nghĩa bá quyền, đồng thời sẽ nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông kêu gọi xây dựng hợp tác an ninh dựa trên các nguyên tắc "bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi".
Những khác biệt
Tuy nhiên, những khác biệt căn bản cũng nổi lên xung quanh cách thức hiện thực hóa tầm nhìn hòa bình và ổn định khu vực này trên thực tế. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh việc tăng cường củng cố hệ thống liên minh và quan hệ với đối tác, tăng cường hiện diện và can dự, và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ngược lại, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại cảnh báo về việc "lôi kéo các nước vào sự đối đầu khối", theo đuổi "an ninh tuyệt đối", xây dựng "liên minh quân sự cục bộ", và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Bộ trưởng Đổng Quân chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí và can dự với Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, và cáo buộc Mỹ "tiêu chuẩn kép" về luật pháp quốc tế, đặc biệt trước những gì đang diễn ra ở Dải Gaza.
Điều này phản ánh tầm nhìn khác biệt giữa hai nước - Mỹ muốn tăng cường cấu trúc an ninh khu vực dựa trên các liên minh hiện có, trong khi Trung Quốc muốn thúc đẩy một cấu trúc khu vực đa cực với ASEAN đóng vai trò trung tâm và ít sự can thiệp hơn từ Mỹ. Nhìn chung, Mỹ coi liên minh của mình là nhân tố tăng cường ổn định khu vực, trong khi Trung Quốc coi chúng là nguy cơ trực tiếp đe dọa lợi ích của mình.
Tuy nhiên, lãnh đạo hai bên cũng bày tỏ sự cởi mở đối với kênh đối thoại giữa hai quân đội. Bộ trưởng Đổng Quân nói rằng Trung Quốc vẫn "cởi mở với trao đổi và hợp tác với quân đội Mỹ", nhưng cũng cảnh báo điều này "đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía". Bộ trưởng Mỹ nhắc lại rằng cuộc gặp gần đây của ông với người đồng cấp Trung Quốc là "thẳng thắn", "quan trọng", nói rằng Mỹ mong muốn có thêm các cuộc đàm phán trong tương lai, đồng thời khẳng định "mọi thời điểm đều là thời điểm tốt để hai bên đối thoại".
Cạnh tranh trong khuôn khổ
Quản trị mối quan hệ an ninh Mỹ-Trung vẫn sẽ là một thách thức lớn nhưng thiết yếu đối với sự ổn định của khu vực. Nhiều khả năng quân đội hai bên sẽ duy trì được "đà" tích cực hiện nay và tăng cường tần suất đối thoại để gia tăng hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm. Họ có thể tìm thấy cơ hội hợp tác về các thách thức chung như chống khủng bố, chống cướp biển và ứng phó với thảm họa, thiên tai.
Tuy nhiên, sẽ khó có đột phá trong các vấn đề cốt yếu như Đài Loan, hay tranh chấp ở Biển Đông. Chính trị nội bộ ở cả hai nước, đặc biệt là kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể là một ẩn số lớn và có khả năng thu hẹp dư địa để thỏa hiệp giữa hai bên.
Nhìn nhận một cách thực tế, các khía cạnh cạnh tranh của mối quan hệ giữa hai siêu cường nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài dù có thể bước vào một giai đoạn ổn định hơn. Năng lực quân sự và ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc tiếp tục được củng cố, trong khi Mỹ tiếp tục triển khai các sáng kiến tập hợp lực lượng mới. Vì lẽ đó, sự giao tiếp rõ ràng, thường xuyên và những nỗ lực thiện chí để quản lý căng thẳng một cách có trách nhiệm sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nỗ lực ngoại giao bền bỉ và sáng tạo ở các kênh khác nhau sẽ cần thiết để thiết lập một trạng thái "cạnh tranh chiến lược trong khuôn khổ" hoặc "cạnh tranh nhưng vẫn chung sống hoà bình" (competitive coexistence)
Cuối cùng, mặc dù các bài phát biểu tại Shangri-La cho thấy những khác biệt lớn và căn bản trong quan điểm của hai bên, nhưng chúng cũng cho thấy Mỹ và Trung Quốc đồng ý về sự cần thiết của một khu vực ổn định và thịnh vượng. Để đạt được mục tiêu đó sẽ đòi hỏi cả hai có những nỗ lực thực chất để biến lời nói thành hành động và tìm ra các các thức hợp tác bất chấp những khác biệt.