TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ có nên chia sẻ vị trí bá chủ của mình? (phần II) | |
Nga muốn đối thoại với Mỹ dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng |
Những điểm khác biệt
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã mô tả chiến thắng của ông Trump là "cơ hội to lớn". Ông nhấn mạnh đến khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và kêu gọi EU hãy thôi kêu ca, bi quan về kết quả bầu cử tại Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao và phân tích Anh lại cho rằng việc ông Trump thắng cử sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Anh, bởi vì như những gì ông Trump đã nói thì ông từ bỏ hết các chính sách ngoại giao mà các nước phương Tây từ trước đến nay vẫn theo đuổi. Đặc biệt là vị Tổng thống mới đắc cử này lại có quan điểm rất khác đối với các vấn đề an ninh quan trọng như quan điểm đối với Nga, Syria và Iran, làm dấy lên những câu hỏi về mức độ hợp tác Mỹ-Anh trong tương lai trong khi vấn đề Brexit đã làm căng thẳng những mối quan hệ giữa Anh và EU.
Một nghiên cứu viên cấp cao tại trung tâm nghiên cứu nổi tiếng hàng đầu của Anh Chatham House, ông James de Waal, cho biết nước Anh từ trước đến nay luôn giữ một mối liên kết đặc biệt gần gũi với Mỹ và dùng mối quan hệ này để gây ảnh hưởng và tiếp cận. Nhưng trong bối cảnh mới, ông Waal đang lo ngại liệu cách tiếp cận này của Anh có thể còn tiếp tục được với chính quyền Trump nữa hay không?
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Nguồn: EPA) |
Theo ông Waal, nếu so sánh với mối quan hệ Trump-May với Reagan-Thatcher trước đây thì sẽ có sự khác biệt vô cùng lớn. Hai cố Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh là những người đã từng biết nhau nhiều năm trước khi lên nắm quyền. Họ nhìn chung là nhất trí với nhau trong cách xử lý mối quan hệ với điện Kremlin.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã từng phê phán việc ông Trump nói rằng ở London có những khu vực người Hồi giáo không được phép đi lại là không đúng sự thật. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của bà May cũng có nhiều điểm khác biệt với những gì mà chính quyền sắp tới của Mỹ thể hiện.
Mối quan hệ giữa chính quyền của ông Trump với Nga là mối quan tâm chính đối với những người phụ trách vấn đề an ninh của Anh. Có sự khác biệt khá xa giữa việc Anh kêu gọi trừng phạt Nga trong khi ông Trump lại ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cơ hội bỏ ngỏ
Theo lời một quan chức ngoại giao Anh thì rõ ràng quan điểm của bà May và ông Trump về Nga là khác biệt, tuy nhiên ông này cho rằng Anh cần phải hy vọng khi ông Trump chính thức nhậm chức, cơ quan tình báo Mỹ sẽ cung cấp các thông tin khiến ông Trump sẽ thay đổi quan điểm hiện tại của mình về Nga.
Ông Trump cũng từng cho rằng ông có thể mặc cả được với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để đánh bại lực lượng IS, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với chính sách của Anh cho rằng ông Assad phải từ chức là điều cần thiết. Những điểm khác có khả năng gây căng thẳng là Anh rất ủng hộ việc Tổng thống Barrack Obama ký thỏa thuận hạt nhân với Iran còn ông Trump lại chỉ trích.
Tuy nhiên, có một điều mà đồng minh của bà May luôn khẳng định, đó là "có nhiều cơ hội" để xây dựng mối quan hệ gần gũi với vị tổng thống tương lai của nước Mỹ, người có mẹ là người Scotland (một vùng thuộc Anh). Ông Trump từng nói những người đảng Cộng hòa có tư tưởng gần gũi và yêu quý người Anh hơn người đảng Dân chủ, ông thường dành những lời yêu quý đối với Scotland nói riêng và nước Anh nói chung.
Mặt khác, người của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump với phe Brexit của Anh dường như có nhiều điểm tương đồng trong ý chí bởi vậy có khả năng ông Trump sẽ muốn giúp đỡ London.
Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liam Fox - một nhân vật ủng hộ Brexit mạnh mẽ và có mối quan hệ khăng khít với đảng Cộng hòa - cho rằng làm đối tác với chính quyền sắp tới của Mỹ là điều rất quan trọng khi mà nước Anh đang hướng tới một tương lai bên ngoài EU. Theo ông Fox, Anh cần gần gũi với ông Trump, đặc biệt là nếu như có cơ hội thì nên ký thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ.
Nhận xét về quan điểm này, một cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng mọi việc sẽ tốt đẹp nếu như Anh có thể đảm đương được việc hòa giải ông Trump với châu Âu, mối nguy hiểm ở đây là nếu Anh quá gắn kết với chính quyền sắp tới của Mỹ thì Anh sẽ không thể tạo ra được ảnh hưởng như vậy và sẽ làm tổn thương quan hệ với EU.
Một số khác lại cảnh báo rằng kỷ nguyên Anh làm cầu nối giữa châu Âu và Mỹ có thể sẽ kết thúc và con đường rời khỏi EU của Anh dường như cũng sẽ không dễ dàng bởi chính việc ông Trump thắng cử sẽ khiến Anh phải thúc đẩy việc cải thiện quan hệ với EU.
Chiến thắng của ông Trump và số phận các FTA với Mỹ Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump luôn lấy chủ nghĩa bảo hộ làm trọng tâm và ... |
Ông Donald Trump đắc cử: Lời cảnh tỉnh đối với EU Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang phải gồng mình đối phó với việc Anh ra đi (Brexit), chiến thắng ngày 8/11 ... |
10 điều ông Donald Trump từng hứa làm sau khi vào Nhà Trắng Trong chiến dịch tranh cử của mình, tỷ phú Donald Trump từng đưa ra cam kết với các cử tri về những điều ông sẽ ... |