Đại sứ Đoàn Thanh Song trình Quốc thư lên Nhà vua Tây Ban Nha. (Ảnh: TGCC) |
Năm biện pháp mũi nhọn
Trong bối cảnh tình hình thế giới và các khu vực trong những năm qua đang có những biến chuyển sâu sắc, khác rất nhiều so với giai đoạn trước, để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược, hiện thực hoá triển vọng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, tôi cho rằng cần triển khai một số biện pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành hai nước cần chủ động tích cực, cùng nhau rà soát lại các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký kết trước đây để xem xét sửa đổi hoặc ký các văn kiện mới cho phù hợp với tình hình hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh và có tính bổ trợ cho nhau như hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, công nghệ xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng đường sắt tốc độ cao…
Thứ hai, hai bên cần tăng cường kết nối doanh nghiệp giữa hai nước dưới nhiều phương thức khác nhau để khai thác tối đa thế mạnh mỗi bên, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Tây Ban Nha đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Với việc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong ASEAN có FTA với EU. Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam-Tây Ban Nha khi Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% giá trị xuất khẩu của EU) trong khi EU xóa bỏ 99,2 % số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Vào được thị trường Tây Ban Nha, các mặt hàng của chúng ta sẽ có cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ Latinh và Bắc Phi.
Thứ ba, để có thể hợp tác đầu tư hiệu quả, ta cần coi hợp tác giáo dục đào tạo là đi trước mở đường và có thể làm ngay; nhất là trong trao đổi chuyên gia, đào tạo kỹ sư trong các ngành mà Tây Ban Nha có thế mạnh như quy hoạch hạ tầng giao thông, xây dựng đường sắt, cảng biển, du lịch, công nghệ y tế, hoá chất, đóng tàu, chế biến thực phẩm, năng lượng và điện...
Thứ tư, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tiếp cận thị trường Tây Ban Nha. Sự nổi bật của Tây Ban Nha trong ngành du lịch toàn cầu được thể hiện với sự “đóng đô” của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tại Madrid và tổ chức các hội chợ quốc tế du lịch hàng năm như FITUR... Theo đó, ta cân nhắc cử đại diện tham gia UNWTO và phối hợp tổ chức tốt hơn các sự kiện quảng bá du lịch tại địa bàn.
Tây Ban Nha là một thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, có tốc độ tăng trưởng và số lượng du khách vào Việt Nam cao. Kể từ năm 2018, Việt Nam đơn phương miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho khách du lịch đến từ một số nước Tây Âu, trong đó có Tây Ban Nha và nay là 45 ngày. Rõ ràng Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhiều khách du lịch Tây Ban Nha bỏ thói quen nghỉ Hè trong nước để sang Việt Nam du lịch.
Thứ năm, Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng để không chỉ thu hút khách Tây Ban Nha mà còn lượng khách từ các nước Mỹ Latinh, Bắc Phi vốn coi Tây Ban Nha là cửa ngõ để vào châu Âu và đi châu Á. Việc mở đường bay thẳng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy giao lưu kinh tế, xã hội, chính trị giữa Việt Nam với Tây Ban Nha và với châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi.
Đại sứ Đoàn Thanh Song cùng các Đại sứ ASEAN tại Tây Ban Nha thăm và làm việc tại cảng vụ Barcelona, tháng 7/2023. (Ảnh: TGCC) |
Một cầu nối đắc lực
Như đã chia sẻ phía trên, hợp tác thương mại đầu tư chiếm vị trí rất quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Tây Ban Nha. Do vậy, phát triển quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước cũng là trọng tâm trong triển khai hoạt động ngoại giao - ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán.
Từ đầu năm đến nay, Đại sứ quán tổ chức nhiều buổi trao đổi với các doanh nghiệp Tây Ban Nha về triển vọng, cơ hội tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh với Việt Nam với các quy định đầu tư, kinh doanh với mong muốn để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước xích lại gần nhau.
Đại sứ quán tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư trên những lĩnh vực bạn có thế mạnh như hạ tầng giao thông, đường sắt, điện gió, năng lượng xanh, cảng biển... Việc thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm được chú trọng.
Trong chuyến thăm làm việc tới thành phố Huetor Tajar, tỉnh Granada, các doanh nghiệp địa phương đã chia sẻ và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong sản xuất và chế biến một số sản phẩm nông nghiệp với Việt Nam như hoa artiso, măng tây... Điều thú vị là trong khi hoa artiso được ta chủ yếu dùng để chế biến trà thì hoa artiso được đóng hộp và là một món ăn nổi tiếng của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là nước sản xuất nhiều thứ hai trên thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất.
Với việc Tây Ban Nha có chất lượng giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới; hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới là lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng để phát triển hơn nữa trong quan hệ hai nước. Đại sứ quán đặt ưu tiên hàng đầu trong đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo thiết thực, hiệu quả, toàn diện giữa hai nước.
Từ đầu năm đến nay, Đại sứ quán đã gặp gỡ lãnh đạo hơn 10 trường đại học, Bộ Giáo dục và một số trường phổ thông trung học, trong đó có các trường lớn và có nhiều thế mạnh về công nghệ và kỹ thuật như Trường Bách khoa Madrid, Trường tổng hợp Complutense, Trường Autonomous Madrid, Trường Alcala... để kết nối, thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác trong đó có việc trao đổi chuyên gia, kỹ sư, cung cấp học bổng và tổ chức chương trình trao đổi với các trường Việt Nam (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao, Đại học Hà Nội, trường Nguyễn Siêu...).
Món ăn từ hoa artiso khá phổ biến ở Tây Ban Nha. (Nguồn: Spain on a Fort) |
Đại sứ quán đã thúc đẩy phía bạn tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo ngôn ngữ tại các trường đại học và phổ thông, tăng cường cử và đào tạo giáo viên tiếng Tây Ban Nha, cũng như xem xét sớm mở thêm Phòng giảng dạy ngôn ngữ Cervantes ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giao lưu nhân dân thiết thực giữa hai nước được đẩy mạnh với nhiều dấu ấn nhằm lan toả vẻ đẹp của đất nước và con người Việt, tăng cường sự hiểu biết của người dân Tây Ban Nha về nền văn hoá Việt Nam, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia để qua đó tạo thêm bước chuyển mới trong quan hệ hai nước.
Vào tháng 10, Đại sứ quán tổ chức thêm hai chương trình văn hóa tại Madrid: Triển lãm tranh với chủ đề “Tình bạn” và Lễ hội ẩm thực “Hội tụ tinh hoa ẩm thực Việt Nam và Tây Ban Nha”.
Cuộc triển lãm có sự tham dự của hơn 30 tác phẩm của bảy họa sĩ Việt Nam và năm họa sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng, mang đậm phong cách và dấu ấn đặc sắc về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Tây Ban Nha.
Đối với chương trình Lễ hội ẩm thực, Đại sứ quán dự kiến tổ chức hơn 20 gian hàng giới thiệu ẩm thực truyền thống, đặc trưng nhất của hai nước cùng với các chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, mang đậm văn hoá Việt Nam. Cả hai sự kiện đều thể hiện nét giao thoa văn hóa, hứa hẹn đem đến những hình ảnh đẹp và ấn tượng về hai Đối tác chiến lược.
* * *
Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược cách đây 15 năm. Chặng đường 15 năm qua ghi nhiều dấu ấn trong hợp tác song phương và hứa hẹn nhiều bước tiến mới trong thời gian tới, với quyết tâm của hai bên trong việc nâng tầm quan hệ sang giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu, thiết thực.