📞

Quan hệ Mỹ-Nga: Ngoại giao chính trị ‘lạnh’, ngoại giao văn hóa 'ấm'

LÊ VY 19:58 | 29/10/2020
TGVN. Mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Nga có phần lạnh nhạt trong thời gian gần đây nhưng ngoại giao văn hóa vẫn nở rộ.

Bằng chứng là Đại sứ quán Mỹ ở Moscow vừa tài trợ cho Bảo tàng quốc gia Hermitage ở St Petersburg khoản tiền hơn 100 nghìn USD để bảo trì ba bức tranh từ thời kỳ Phục hưng đang được trưng bày ở đây, là một động thái ngoại giao văn được đánh giá cao.

Cầu nối văn hóa

Số tiền 102.000 USD đã được trao cho Tổ chức Bảo tàng Hermitage có trụ sở tại New York (Mỹ) để phối hợp với Bảo tàng quốc gia Hermitage khôi phục ba bức bích họa được vẽ theo trường phái của danh họa Italy Raphael.

Động thái ngoại giao văn hóa quan trọng diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp và biên giới hai quốc gia vẫn bị đóng cửa do Covid-19.

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ ở Nga cho biết, dự án phục hồi các tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng ở Bảo tàng quốc gia Hermitage “thể hiện cam kết của Nga và Mỹ trong việc sử dụng các mối quan hệ văn hóa làm cầu nối giữa các quốc gia của chúng ta, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay”.

Ba bức bích họa mang tên Venus và Adonis, Pan và Syrinx, Venus, Cupid và Dolphins, được vẽ vào năm 1523-24, từng được trang trí trên tường của một biệt thự nhỏ trên đồi Palatine ở Rome, Italy.

Một chuyên gia đang phục dựng tác phẩm Pan và Syrinx. (Nguồn: Theartnewspaper)

Những bức tranh này được bảo tàng Hermitage mua lại vào năm 1861. Trải qua hàng trăm năm, những bức tranh này bị xuống cấp, “hình dáng ban đầu của thời kỳ Phục hưng gần như bị mất hoàn toàn”, theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

Giống như nhiều bảo tàng trên toàn thế giới, năm nay bảo tàng Hermitage tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raphael.

Khoản tài trợ cho Bảo tàng Hermitage sẽ không chỉ khôi phục các bức bích họa mà còn hỗ trợ sản xuất các tài liệu video về quá trình phục dựng các tác phẩm nghệ thuật và chuẩn bị cho một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn về danh họa Raphael.

Cầu nối con người

Các hoạt động trao đổi trong lĩnh vực bảo tàng giữa Nga và Mỹ đã bị đóng băng trong một thập kỷ do phán quyết của tòa án Mỹ về bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật ở thư viện Schneerson, do Nga nắm giữ nhưng nhóm Chabad-Lubavitch Hasidic có trụ sở tại New York tuyên bố quyền sở hữu.

Ông Mikhail Piotrovsky, Giám đốc Bảo tàng Hermitage, Chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo tàng Hermitage đã nhiều lần nói về sự cần thiết phải xây dựng những cây cầu văn hóa để vượt qua những trở ngại về địa chính trị và pháp lý trong quan hệ văn hóa quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại Nga, ông John Sullivan nói rằng, nhiều tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng Hermitage đã bị xuống cấp trầm trọng và việc tài trợ để khôi phục chúng là rất cần thiết.

Tác phẩm Venus, Cupid và Dolphins. (Nguồn: theartnewspaper)

“Chúng tôi hy vọng, lần trùng tu này sẽ giới thiệu vẻ đẹp thực sự của các bức họa, không chỉ với công chúng Nga mà còn với thế giới. Bảo tàng Hermitage dĩ nhiên không chỉ là kho tàng văn hóa của Nga mà còn của cả thế giới”.

Ông Saranna Biel-Cohen, Giám đốc điều hành của Quỹ Bảo tàng Hermitage, người chịu trách nhiệm điều hành dự án cho biết, phải mất “khoảng một năm” để phục dựng.

Trong khi đó, ông Torkom Demirjian, Chủ tịch của Quỹ Bảo tàng Hermitage, phát biểu với báo giới rằng: “Trong môi trường chính trị toàn cầu phân cực rõ nét như thế này, điều quan trọng là phải mở đường cho các mối giao lưu giữa người với người, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Giao lưu nhân dân đóng một vai trò rất tích cực trong ngoại giao. Với hành động này, tôi nghĩ rằng, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow muốn đưa ra thông điệp rằng, khi nói đến giao lưu giữa người với người, chúng ta quan tâm đến nhau, chúng ta quan tâm đến nền văn hóa, sáng kiến ​​của nhau và chúng ta gạt chính trị sang một bên”.

Nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raphael, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tổ chức các buổi triển lãm tranh của ông, cả trực tiếp và trực tuyến.

Ở Việt Nam, ngày 6/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Italy tại Việt Nam tổ chức khai mạc trực tuyến triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Raphael mang tên Magister Raffaello.

Cùng với hai tên tuổi Michelangelo và Leonardo da Vinci, Raphael là bộ ba danh hoạ bậc thầy vĩ đại của thời kỳ Phục hưng. Dù mất năm 37 tuổi vì bạo bệnh nhưng danh họa Raphael đã để lại nhiều kiệt tác cho nhân loại. Những bức tranh nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Tranh luận về lễ ban phước (năm 1509 - 1510), Trường Athenes (năm 1510 - 1511), Đức bà Alba (năm 1511), hay bức Đức bà Sixtine (năm 1512 - 1513)... Nhiều họa sĩ hậu sinh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách của Raphael.