📞

Quan hệ Mỹ-Trung-Nhật và bài toán thoát 'bẫy Thucydides'

Hạ Vy 08:47 | 09/09/2022
Là ba cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Á, quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hòa bình của khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ này hiện tại đang phát triển theo hướng ngược chiều nguy hiểm.
Là ba cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Á, quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hòa bình của khu vực. (Nguồn: ABS)

Đối với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, điều lý tưởng nhất là hình thành được quan hệ ba bên dựa trên sự ổn định cơ bản, lấy hợp tác làm chủ đạo và cân bằng tương đối.

Từ thập niên 70, 80 thế kỷ trước, quan hệ Mỹ-Trung-Nhật đã giữ được trạng thái cân bằng tương đối như vậy. Trong 20 năm đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ ba bên này mặc dù có nhiều biến động, nhưng mặt hợp tác vẫn là dòng chảy chính.

Là ba cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Á, quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hòa bình của khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ này hiện tại đang phát triển theo hướng ngược chiều nguy hiểm.

Chiều hướng mất cân bằng nghiêm trọng

Trước hết, quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Nhật đều ở trạng thái rất căng thẳng, không ổn định. Quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, đến chính quyền Joe Biden hiện nay tình hình vẫn không thay đổi đáng kể.

Trong khi đó, quan hệ Trung-Nhật trở lại bình thường vào năm 2018 sau nhiều năm căng thẳng, nhưng lại xấu đi trong hai năm gần đây.

Duy chỉ có quan hệ Mỹ-Nhật đã được khôi phục và tăng cường sau khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với quan hệ đồng minh này nếu ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tới?

Thứ hai, hợp tác giữa Mỹ, Nhật với Trung Quốc đều suy yếu. Điều này được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, duy trì an ninh hạt nhân, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế thương mại Mỹ-Trung, Trung-Nhật cũng bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là trong hợp tác khoa học-công nghệ. Đáng nói là, nếu không có hợp tác giữa ba nước này, đặc biệt là hợp tác Mỹ-Trung, hai cường quốc hàng đầu thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu ngày càng tăng.

Thứ ba, hai điểm nói trên đã dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng trong quan hệ ba bên này. Chiều hướng cơ bản dường như là Mỹ và Nhật Bản xích lại gần nhau, trong khi Mỹ-Trung và Trung-Nhật ngày càng xa nhau.

Có dự đoán rằng, nếu quan hệ Mỹ-Trung-Nhật không sớm thay đổi, thì hợp tác kinh tế, an ninh giữa ba nước và khu vực Đông Á sẽ bị suy yếu, dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực và tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng quân sự lớn, thậm chí xung đột quân sự cục bộ, khiến chiến tranh lạnh hồi sinh ở Đông Á.

Phương án "cạnh tranh-hợp tác-chung sống hòa bình" từ Trung Quốc

Vậy làm thế nào thay đổi quan hệ Mỹ-Trung-Nhật hiện nay? Phản đối lấy cạnh tranh chiến lược định nghĩa quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh hy vọng và tìm cách phát triển quan hệ tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, cùng có lợi với Mỹ.

Giới học giả Trung Quốc đề xuất lấy “cạnh tranh-hợp tác-chung sống hòa bình” để định vị quan hệ Mỹ-Trung. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Biden và đội ngũ của ông đã có một số điều chỉnh tương đối tích cực trong chính sách với Trung Quốc.

Theo giới học giả Trung Quốc, nếu Mỹ thực hiện "nói đi đôi với làm", đặc biệt là tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", hai nước mới có thể từng bước nối lại quan hệ và tăng cường đối thoại, tránh xảy ra xung đột, đối đầu, đồng thời cạnh tranh lành mạnh, hợp tác khi cần thiết. Bằng cách này, qua một giai đoạn cọ xát lâu dài, quan hệ Mỹ-Trung sẽ ổn định và được cải thiện hơn.

Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ không chọn bên, đồng thời mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản phù hợp thời đại mới. Điều này cũng gần như tương đồng với chủ trương xây dựng quan hệ Nhật-Trung ổn định, mang tính xây dựng đáp ứng yêu cầu thời đại mới do Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đề xuất.

Để ổn định và phát triển quan hệ hai nước, hai bên cần tuân thủ nền tảng chính trị xác lập trong bốn Thông cáo chung, nối lại và tăng cường đối thoại, đặc biệt là đối thoại cấp cao về ngoại giao; tăng cường kiểm soát rủi ro và khủng hoảng về an ninh (ưu tiên hàng đầu là thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng hai nước) và hợp tác an ninh phi truyền thống.

Về quan hệ Mỹ-Nhật, theo giới học giả, Trung Quốc mong muốn hai nước này áp dụng chính sách an ninh, quân sự mang tính phòng thủ không nhằm vào bên thứ ba, không can thiệp công việc nội bộ nước khác, từng bước giảm bớt tính đối đầu, gia tăng độ minh bạch, đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và ứng phó với an ninh phi truyền thống. Trung Quốc còn hy vọng hợp tác kinh tế, công nghệ Mỹ-Nhật mang tính cởi mở, nếu theo đuổi chính sách phân tách, hoặc bán phân tách với Trung Quốc, sẽ tổn hại nghiêm trọng lợi ích của chính Mỹ, Nhật.

Các học giả Trung Quốc phân tích, 20 năm trở lại đây, cùng với sự chuyển dịch quyền lực, quan hệ Trung-Nhật trải qua nhiều thăng trầm. Hy vọng cả hai bên có thể tổng kết kinh nghiệm, tận dụng sự tương đồng về văn hóa, đi đầu vượt qua “bẫy Thucydides”, từng bước thiết lập quan hệ nước lớn kiểu mới. Theo đó, thực tiễn thành công của Trung Quốc và Nhật Bản có thể đóng vai trò đi đầu và làm gương cho sự phát triển của quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

(theo China-US Focus)