📞

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ: Kiến tạo giá trị, hướng đến tương lai

Phạm Sanh Châu 08:44 | 23/08/2022
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có những bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nấc thang cao nhất trong quan hệ ngoại giao song phương - Đối tác chiến lược toàn diện.

Bền bỉ là người đại diện của Việt Nam tại Ấn Độ, là chiếc cầu nối giữa hai quốc gia, hai dân tộc, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã không ngừng nỗ lực đóng góp vào việc kiến tạo các giá trị mới, tiếp tục tạo ra các tiền đề để nâng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ lãnh đạo các Hội hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam, ngày 17/12/2021. (Nguồn: TTXVN)

Làm sâu sắc quan hệ chính trị - chiến lược

Mối quan hệ chính trị giữa hai nước được vun đắp qua nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo và ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị. Các cơ chế hợp tác song phương phát huy hiệu quả vai trò trong định hướng, xác định và triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Hai nước tích cực ủng hộ, phối hợp lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Tin cậy chính trị và chiến lược giữa hai bên không ngừng được củng cố. Hợp tác quốc phòng an ninh là một trụ cột trọng yếu trong quan hệ song phương và đây là cốt lõi trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai bên đã hoàn thành gói tín dụng 100 triệu USD và đã tích cực đàm phán gói tín dụng 500 triệu USD. Hợp tác giữa các binh chủng ngày càng chặt chẽ, với trọng tâm về công nghiệp quốc phòng, đào tạo và huấn luyện tác chiến.

Bám sát các nhu cầu và mục tiêu phát triển của đất nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm tốt vai trò cầu nối giữa hai chính phủ, giữ gìn mối quan hệ với các chính đảng lớn tại Ấn Độ, xây dựng mạng lưới quan hệ rộng khắp và vững chãi với chính giới, các bộ ngành, chính đảng, giới học giả…, góp phần củng cố và phát huy các giá trị chung, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành sở tại và ở Việt Nam để triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã được lãnh đạo hai nước thông qua.

Thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch

Bước vào thế kỷ XXI, thương mại Việt Nam - Ấn Độ mới chỉ đạt 200 triệu USD. Song sau gần hai thập niên, chỉ số này tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018, lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đến bất ngờ, mục tiêu không được hoàn thành.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán kiên trì nỗ lực xúc tiến, tổ chức giao thương dưới nhiều hình thức để kết nối thị trường, giải cứu hàng hoá ùn ứ, qua đó tìm cách lấy lại đà tăng trưởng thương mại. Sau một năm chững lại, thương mại phục hồi năm 2021 và đạt đỉnh cao mới hơn 13,5 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng đầy tích cực và nếu đà này được duy trì, mục tiêu 15 tỷ USD dự kiến được hoàn thành.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu thắp nến trong lễ công bố 5 đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai của Ấn Độ, ngày 12/2/2020. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ kinh tế và du lịch hai quốc gia được hỗ trợ bởi các kết nối hạ tầng mới hàng không và hàng hải. Năm 2019, nhìn nhận kết nối trực tiếp là điều kiện thiết yếu để thực sự đưa hai quốc gia tới gần nhau hơn, Đại sứ quán đã tiếp cận, vận động ba hãng hàng không có khả năng mở tuyến bay thẳng là IndiGo, Vietjet và Vietnam Airlines.

Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, IndiGo - hãng bay giá rẻ của Ấn Độ, đã chấp nhận mở đường bay Kolkata - Hà Nội và Kolkata - TP. Hồ Chí Minh từ tháng 10/2019. Ngay sau đó, Vietjet Air cũng khám phá thị trường với hai đường bay Delhi - Hà Nội và Delhi – TP. Hồ Chí Minh từ 12/2019. Các đường bay này được đón nhận rất tích cực với tỷ suất hành khách trung bình trên 70%. Không may, đại dịch Covid-19 ập đến, các quốc gia đều “đóng cửa bầu trời” và các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn.

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Đại sứ quán nhanh chóng đồng hành, phối hợp cùng các hãng hàng không nối lại và mở mới các đường bay. Đại sứ quán tích cực hỗ trợ Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp. Tháng 6/2022, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đã hạ cánh ở Sân bay quốc tế Indira Gandhi, New Delhi.

Quy trình thiết lập đường bay mới thông thường mất hơn sáu tháng, quy trình thủ tục phức tạp, cần sự phê duyệt qua lại của nhiều cấp, bộ ban ngành của Ấn Độ. Đại sứ quán phát huy với tinh thần “tiên phong”, lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm, bám sát thực tiễn để tháo gỡ các nút thắt, rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn ba tháng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cắt bánh khai trương đường bay thẳng của Vietnam Airlines chặng Hà Nội - New Delhi, ngày 15/6/2022, tại sân bay quốc tế Indira Gandhi, New Delhi. (Nguồn: TTXVN)

Đồng thời, Đại sứ quán đồng hành cùng Vietjet viết tiếp những khát vọng dang dở, kết nối Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 6/2022. Không dừng lại ở đó, với trải nghiệm thị trường tích cực, Vietjet đã lên kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ khi mở thêm 11 đường bay mới. Cuối năm 2021, tuyến đường biển trực tiếp đầu tiên kết nối cảng Cửa Lò (Việt Nam) và cảng Kolkata (Ấn Độ) đã được đưa vào thử nghiệm.

Với việc đi lại dễ dàng hơn, du lịch giữa hai nước ngày một phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam cũng quen với các mô hình du lịch mới rất Ấn Độ, du lịch đám cưới và du lịch hội nghị, hội thảo (MICE). Sau khi được mời và dự một đám cưới sở tại, các nhà ngoại giao Việt Nam đã nghiên cứu, tìm hiểu về tập quán đám cưới của Ấn Độ và nhận ra dư địa mới cho du lịch Việt Nam. Không chờ đợi mà chủ động đi tìm cơ hội, Đại sứ lên kế hoạch và triển khai chiến dịch quảng bá Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho các đám cưới Ấn Độ.

Với đám cưới thượng lưu đầu tiên của Ấn Độ tại Việt Nam năm 2019, Đại sứ cùng tập thể Đại sứ quán đã “làm hơn những gì nhiệm vụ yêu cầu”, lấy trải nghiệm của cặp đôi và đoàn khách làm ưu tiên hàng đầu, hỗ trợ và đồng hành cùng cặp đôi và đơn vị tổ chức đám cưới từ khi thai nghén ý tưởng đến khi kết thúc sự kiện.

Việc Đại sứ quán chủ động quảng bá cho đám cưới này không chỉ tạo ra sự hài lòng cho cả nhà trai-nhà gái mà quan trọng hơn đã tạo được sự quan tâm, chú ý của người Việt Nam về một hình ảnh Ấn Độ khác, rất trang trọng và lịch thiệp.

Trong thời gian ngành du lịch rơi vào tình trạng ngủ đông, bộ phận kinh tế của Đại sứ quán tranh thủ nghiên cứu để hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường Ấn Độ. Phát hiện đáng giá nhất trong quãng thời gian này là việc các công ty, tập đoàn Ấn Độ ưa chuộng du lịch MICE, Đại sứ quán đã kết nối, hỗ trợ các đơn vị lữ hành cùng một số địa phương của Việt Nam đón thành công ba đoàn khách MICE từ Ấn Độ chỉ trong tháng 7/2022, trong đó có đoàn lên tới 460 khách, lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam.

Mảng đầu tư cũng có những dấu ấn mới. Ấn Độ vốn nổi tiếng với ngành công nghệ thông tin (CNTT) nhưng trong hàng thập kỷ qua song chưa có một công ty lớn nào đầu tư tại Việt Nam. Nhận ra thiếu hụt đó, Đại sứ quán tiếp cận doanh nghiệp IT lớn của Ấn Độ để tìm hiểu nhu cầu đầu tư ra nước ngoài.

Sau quá trình nghiên cứu và thăm dò, từ tháng 4/2019, Đại sứ quán đã triển khai chiến dịch vận động Tập đoàn HCL, trong top 5 doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Ấn Độ, đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh việc hỗ trợ các đoàn khảo sát của HCL vào Việt Nam, tôi đích thân tham dự và trình bày, thuyết phục Hội đồng Quản trị của Tập đoàn.

Kết quả là HCL quyết định đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 650 triệu USD. Tháng 3/2020, Công ty TNHH HCL Việt Nam được thành lập, tháng 7/2020 bắt đầu vận hành kinh doanh và tháng 10/2020 công bố sự hiện diện chính thức. Hiện công ty có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hơn 350 nhân viên.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác nghiên cứu đánh giá chất lượng của vaccine Nanocovax, ngày 23/9/2021. (Nguồn: TTXVN)

Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mở ra các cơ hội mới. Ấn Độ được mệnh danh là “Nhà thuốc của thế giới” với khả năng sản xuất vaccine và dược phẩm quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán chủ động thăm dò và vận động các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng các công viên dược phẩm tại Việt Nam.

Nắm bắt nhu cầu và mong muốn của các nhà đầu tư, Đại sứ quán đã tiếp xúc với 13 tỉnh, thành cùng hàng chục doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng để kết nối và giải toả các thắc mắc, đồng hành cùng các nhà đầu tư khảo sát địa điểm. Đến tháng 7/2022, liên doanh nhà đầu tư Ấn Độ - Việt Nam đã được ký kết và địa điểm cho dự án cũng đã được xác định tại Thanh Hoá.

Ấn Độ là đất nước nhiều tỷ phú thứ ba thế giới. Do đó, dù biết trước những khó khăn, Đại sứ quán xác định cần nỗ lực tiếp cận nhóm này để tạo ra dấu ấn, tạo đà thúc đẩy cho dòng đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam, vốn bị chững lại trong nhiều năm. Dù triển khai các hướng tiếp cận từ cuối 2018 song phải đến giữa năm 2021, tôi mới gặp được tỷ phú Gautam Adani để vận động đầu tư vào Việt Nam.

Nhận được phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo của Tập đoàn Adani, Đại sứ quán triển khai kết nối, hỗ trợ quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư của Adani tại Việt Nam được diễn ra nhanh nhất. Đến tháng 6/2022, đại diện Adani tham dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng, công bố kế hoạch dành 10 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam trong thập kỷ tới, trong đó mở đầu với dự án phát triển Cảng Liên Chiểu với số vốn lên đến 2 tỷ USD.

Mở rộng kết nối văn hóa, giao lưu nhân dân

Trong tư tưởng và tình cảm của người dân Ấn Độ, hình ảnh Việt Nam luôn gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, rất nhiều người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Để duy trì những tình cảm ấm áp đó, hằng năm, Đại sứ quán đều tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm ảnh, chiếu phim, các cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để lưu giữ và phát huy truyền thống, Đại sứ quán đã thai nghén dự án xây dựng Tượng đài của Bác tại New Delhi.

Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi. (Nguồn: TTXVN)

Sau năm năm vận động ròng rã, vượt qua nhiều rào cản và khó khăn, tháng 6/2022, Đại sứ quán đã tổ chức khánh thành Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Kautilya Marg ở trung tâm thủ đô New Delhi. Như vậy, đến nay ở Ấn Độ đã có hai Tượng đài và hai đại lộ mang tên Hồ Chí Minh. Sắp tới, Tượng lãnh tụ Mahatma Gandhi cũng sẽ được đặt tại Vườn hoa Tao Đàn tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong hai năm gần đây, quan hệ giao lưu nhân dân có nhiều đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Trước đây, chủ yếu học sinh, sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ du học. Từ năm 2020, Đại sứ quán đã mở cánh cửa đưa sinh viên Ấn Độ sang Việt Nam đào tạo y khoa bậc đại học.

Nhận thấy đây là dịch vụ xuất khẩu tại chỗ chưa từng được khai phá và tiềm năng thị trường Ấn Độ, Đại sứ quán ngay lập tức tìm hiểu năng lực của các đại học Việt Nam nhằm xây dựng, thiết kế chương trình giảng dạy y khoa hoàn toàn bằng tiếng Anh để đón đầu xu hướng mới này. Sau thời gian kết nối, Đại sứ quán đã giúp công ty Aierra thu xếp để đưa nhóm sinh viên y khoa Ấn Độ đầu tiên đến nhập học tại Đại học Hồng Bàng.

Chú trọng thông tin, tuyên truyền

Bên cạnh các công tác trọng điểm về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, giao lưu nhân dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đặc biệt chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, ngoại giao công chúng nhằm hướng đến thay đổi nhận thức của nhân dân hai nước về nhau.

Với sự tích cực của Đại sứ quán, mỗi năm, báo chí Ấn Độ đưa hàng trăm tin, bài về Việt Nam, có nhiều bài bình luận, phân tích sâu sắc về các sự kiện lớn của Việt Nam như Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2021), Bầu cử Quốc hội khóa XV (5/2021)…

Đều đặn hàng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đều cho ra mắt các tập san chuyên đề để chia sẻ với các ngoại giao đoàn tại New Delhi, các học giả, nhà nghiên cứu, các thư viện, các hội hữu nghị... về những vấn đề hệ trọng của Việt Nam.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, ngày 17/3/2021. (Nguồn: TTXVN)

Tiến cùng các bước phát triển của công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ là một trong những cơ quan đại diện tiên phong, chú trọng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền. Các bài đăng trên trang Facebook, Twitter, Youtube, Instagram của Đại sứ quán đạt lượng tương tác tốt với phản hồi tích cực, góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với người dân Ấn Độ đồng thời truyền tải những yếu tố văn hoá đặc sắc của Ấn Độ đến với ngươi dân Việt Nam.

Để chào mừng 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Đại sứ quán đã xây dựng một kế hoạch truyền thông dày đặc trong năm 2022 với nhiều điểm nhấn sáng tạo như ra mắt hai bộ phim tài liệu Hòa quyện cùng đại dươngHồ Chí Minh với Ấn Độ, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức cuộc thi sáng tạo logo kỷ niệm, sản xuất chuỗi video clips Unique Việt Nam để giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hoá của Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Với tình cảm yêu mến đối với đất nước giàu bề dày văn hóa Ấn Độ, với đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và cống hiến với Tổ quốc cũng như tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo trong công tác, các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Ấn Độ đã và đang góp phần xây dựng, củng cố và mở rộng nền tảng bền vững cho mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ.