Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng tiếp kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen. |
Xin Đại sứ đánh giá khái quát về lịch sử và thành tựu nổi bật trong quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Campuchia 55 năm qua?
“Ôn cố tri tân”, nhìn lại lịch sử những năm 1960, khi Mỹ phát động mở rộng cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ra toàn cõi Đông Dương, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia một lần nữa phát huy truyền thống đoàn kết trong kháng chiến chống thực dân để tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc.
Trong dòng chảy thời gian ấy, ngày 24/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Samdech Quốc trưởng Norodom Sihanouk chính thức đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao hai nước khi dân tộc Việt Nam còn đang trong “mưa bom bão đạn”.
Sự kiện đó không chỉ thể hiện sự ủng hộ quý báu của nhân dân Campuchia đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn khẳng định sự ủng hộ chân thành của nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập, trung lập của Vương quốc Campuchia.
Từ đây, vận mệnh của hai dân tộc thêm gắn bó, sức mạnh càng được tăng cường cùng với ý chí khát khao về độc lập, tự do và sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho nhau đã tạo thêm niềm tin, sự khích lệ quân dân hai nước tiếp tục hiệp đồng tác chiến, làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975; đồng thời, sau này cùng nhau đánh đổ chế độ Campuchia dân chủ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng; cùng nhau tái thiết và xây dựng đất nước. Nhìn lại lịch sử 55 năm của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa đặc biệt của việc thiết lập quan hệ ngoại giao và tầm vóc chiến lược của quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, đã được thử thách, tôi luyện và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Những thành tựu của quan hệ Việt Nam-Campuchia trong suốt 55 năm qua, không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước, mà còn thể hiện ở sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, cũng như góp phần ngày càng củng cố và tăng cường vững chắc hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong đó có thể nêu lên một số thành tựu nổi bật sau đây:
Thứ nhất, quan hệ chính trị không ngừng phát triển và đã thực sự đóng vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước.
Thứ hai, quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước.
Thứ ba, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực và đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước. Từ năm 2005 trở đi kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trung bình 30-40%/năm.
Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn có sự tăng trưởng đột phá với tổng kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, và quý I/2022 đạt 3,37 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,88 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và trong top năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Thứ tư, quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược. Hiện có khoảng gần 100 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Campuchia và 2.427 sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam.
Thứ năm, quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và giao lưu nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước cũng còn một số tồn tại và đứng trước một số thách thức. Quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, một số thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế chậm được triển khai, hiệu quả hợp tác còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự kết nối vững chắc giữa hai nền kinh tế để bổ trợ cho nhau và cùng nhau phát triển.
Tình hình thế giới và khu vực hiện nay có những diễn biến rất nhanh chóng, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn hết sức phức tạp, sự can dự của các nước lớn vào khu vực và từng nước trong khu vực ngày càng quyết liệt, đặt hai nước cũng như quan hệ giữa hai nước trước những thách thức mới rất phức tạp.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng. |
Theo Đại sứ, định hướng và những trọng tâm ưu tiên thúc đẩy trong quan hệ hai nước thời gian tới như thế nào?
Theo tôi, cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại, góp phần bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước.
Thứ ba, Việt Nam và Campuchia cần đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước.
Thứ tư, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - kỹ thuật.
Thứ năm, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân hai nước.
Hợp tác kinh tế sẽ được hai bên triển khai như thế nào cho tương xứng với quan hệ giữa hai nước?
Hai nước phải làm rất nhiều việc. Đó là phải định vị thật rõ tiềm năng, thế mạnh mà hai bên có thể bổ trợ cho nhau. Trên cơ sở đó cùng nhau xây dựng và sớm thông qua Đề án kết nối hai nền kinh tế từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản pháp lý theo hướng thông thoáng, có dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau; cần rà soát lại tất cả các dự án đầu tư còn hiệu lực để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án; loại bỏ hoặc cắt giám những dự kém hiệu quả; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương có chung biên giới, bảo đảm sự gắn kết giữa hợp tác kinh tế với hợp tác về an ninh, quốc phòng giữa hai nước.
Xin Đại sứ cho biết một vài cảm nghĩ của ông khi trở lại làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia?
Đất nước Campuchia có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với tôi vì những năm tháng thanh xuân, tôi đã sống và làm việc ở đây, được tận mắt chứng kiến sự hoang tàn, đổ nát của một đất nước có những thời kỳ lịch sử huy hoàng, được trực tiếp làm việc với các bạn Campuchia, được đóng góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp hồi sinh dân tộc Campuchia sau khi quân và dân hai nước đã phối hợp đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot vào ngày 7/1/1979.
Trong hơn bốn chục năm công tác của mình, tôi có may mắn được thường xuyên theo dõi và tham gia đóng góp cho quan hệ giữa hai nước, cá nhân tôi vô cùng vinh dự khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tín nhiệm chọn cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Campuchia và cũng hiểu đây là trọng trách lớn lao mà bản thân phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành.
Với tôi, thời gian một nhiệm kỳ ba năm là rất ngắn ngủi, dự định mà tôi ấp ủ thì nhiều, nhưng sẽ khó khả thi nếu ôm đồm quá nhiều tham vọng, do vậy với tôi điều quan trọng nhất đó là làm sao để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả những lĩnh vực quan hệ tốt đẹp đã có như: quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, giao lưu nhân dân… đồng thời thúc đẩy để hiện thực hóa ấp ủ và mong mỏi lâu nay của tôi là làm sao tạo cho được bước đột phá trong hợp tác kinh tế, làm cho kinh tế trở thành động lực và bệ đỡ cho quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực khác.
| Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 45 năm ‘Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot' tại Việt Nam qua ảnh Ngày 20/6, tại lối mở Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, (Việt Nam) và tỉnh Tbong Khmum (Campuchia), Thủ tướng Chính phủ Việt ... |
| Gỡ 'vướng' cho thương mại biên giới, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Campuchia Ngày 22/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Campuchia tổ chức Phiên tư vấn ... |