📞

Quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ có nhiều bước chuyển lớn

22:11 | 22/08/2016
Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 (22-26/8), Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng khẳng định như vậy và cho biết, tháng Mười tới, Việt Nam và Thụy Sỹ cùng kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương bằng một loạt hoạt động tại các thành phố lớn của hai nước.

Xin Đại sứ cho biết công tác chuẩn bị kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đang diễn ra thế nào?

Sắp tới, Việt Nam và Thụy Sỹ kỷ niệm 45 năm quan hệ hai nước. Thụy Sỹ là một trong những nước đầu tiên ở Tây Bắc Âu công nhận Việt Nam. Đó là thời điểm năm 1971 - khi Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao là hoạt động quan trọng của hai nước bởi vì quan hệ Việt Nam và Thụy Sỹ trong 5 năm trở lại đây có nhiều bước chuyển lớn, đặc biệt về kinh tế. Thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 1,3 tỷ USD. Hiện nay, về quan hệ chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao cũng như đoàn của các tỉnh thành. Quan hệ về hợp tác phát triển, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, đào tạo đang có rất nhiều bước tiến mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai từ trái) gặp gỡ các Đại sứ bên lề Hội nghị Ngoại giao 29. (Đại sứ Phạm Hải Bằng, đứng giữa).

Tháng Mười tới, Việt Nam và Thụy Sỹ cùng kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương bằng một loạt các hoạt động. Tại Thụy Sỹ, Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Việt Nam, sẽ có đoàn văn hóa nghệ thuật biểu diễn và có chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam ở Thủ đô Bern và thành phố Geneva. Ngoài ra, còn có một số các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là diễn đàn kinh tế giữa hai nước.

 Điểm nhấn quan trọng nhất trong hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương là sẽ có đoàn của Ủy viên Bộ Chính trị, do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, dẫn đầu thăm Thụy Sỹ và làm việc với Quốc hội Thụy Sỹ. Tại Hà Nội, Sứ quán Thụy Sỹ sẽ tổ chức một loạt hoạt động, trong đó có chuyến thăm của bà Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế, là người thứ hai của Bộ Kinh tế Thụy Sỹ thăm Việt Nam vào ngày 10-11/10.

Nhân dịp này, tại TP. Hồ Chí Minh, Thụy Sỹ sẽ khai trương một nhà máy mới của công ty chuyên phục vụ cung ứng trong lĩnh vực thép xây dựng và thép uốn sử dụng trong các công trình dân dụng. Đây cũng là một tin vui về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bước chuyển mới trong bối cảnh có rất nhiều các công ty nhỏ và vừa của Thụy Sỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.

Bà Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Thụy Sỹ sẽ có buổi gặp gỡ với lãnh đạo các Bộ, ngành kinh tế của Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Đại sứ Phạm Hải Bằng trả lời phỏng vấn các phóng viên.

Đánh giá của Đại sứ về quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Thụy Sỹ?

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Thụy Sỹ tương đối toàn diện. Thụy Sỹ không chỉ là người bạn truyền thống mà còn là đối tác truyền thống của Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước không những rất bền vững và ổn định về mặt chính trị mà quan hệ kinh tế, thương mại cũng rất quan trọng. Thụy Sỹ là nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đứng thứ tư ở châu Âu, chỉ sau 3 nước lớn là Đức, Pháp và Hà Lan. Viện trợ phát triển của Thụy Sỹ cho Việt Nam liên tục được duy trì.

"Thụy Sỹ không chỉ là người bạn truyền thống mà còn là đối tác truyền thống của Việt Nam".

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực tài chính, hải quan khá chặt chẽ. Trong năm nay, hai bên sẽ ký Hiệp định hợp tác về mặt hàng không, làm mới các hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, ký thêm nghị định thư về hợp tác hải quan giữa hai nước. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Vậy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ ở cấp độ địa phương như thế nào thưa Đại sứ?

Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những địa phương đi đầu trong hợp tác với Thụy Sỹ. Về phía Hà Nội, cuối tháng 7 vừa qua, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy Hà Nội thăm và làm việc tại Bern và có những trao đổi rất sâu sắc về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp cũng như là hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh thường xuyên có các quan hệ hợp tác với thành phố Geneva của Thụy Sỹ trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, trao đổi và ứng dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ mới trong quản lý đô thị. Geneva là thành phố rất gần gũi với Việt Nam và rất coi trọng hợp tác với các địa phương Việt Nam, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Một số thành phố, các tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ cũng quan tâm hợp tác với Thụy Sỹ trong lĩnh vực xử lý nguồn nước, nước thải, nước sinh hoạt. Đây là một trong những điểm nhấn trong hợp tác địa phương của hai nước.

Đại sứ Phạm Hải Bằng đón Đoàn Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm làm việc tại Bern, Thụy Sỹ. (Nguồn: ĐSQ VN tại Thụy Sỹ)

Đại sứ đánh giá về giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Thụy Sỹ?

Phải nói là giao lưu nhân dân giữa hai nước trong những năm vừa qua có rất nhiều hoạt động, nhất là những hoạt động do Hội Thụy Sỹ - Việt Nam tổ chức. Năm vừa qua, Hội đã tổ chức nhiều chuyến đi Việt Nam để tìm hiểu tình hình, giúp đỡ trẻ em bị tàn tật, nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, Đoàn cũng tìm hiểu tình hình về Biển Đông. Những thông tin của chúng ta về Biển Đông đã giúp người dân Thụy Sỹ hiểu được thực chất của vấn đề, hiểu được lập trường, quan điểm của Việt Nam. Giao lưu nhân dân là kênh quan trọng giúp cho người dân Thụy Sỹ hiểu thêm nữa về Việt Nam.

Cũng có tin vui nữa về kênh giao lưu nhân dân là bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Thụy Sỹ - Việt Nam đã nhận giải Ba về thông tin đối ngoại qua loạt bài viết về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Hội Thụy Sỹ - Việt Nam đã xuất bản cuốn tạp chí bằng tiếng Đức, đăng rất nhiều bài viết về Việt Nam cho bạn đọc Thụy Sỹ hiểu hơn về Việt Nam. Như vậy, kênh giao lưu nhân dân là một kênh cũng rất quan trọng, cùng ngoại giao Nhà nước, ngoại giao của Đảng, Quốc hội, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện và đa dạng.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)