Đây là một trong những biện pháp của cơ quan chức năng, trước phản ứng bức xúc của dư luận về các bộ truyện tranh này. Vấn đề là không phải bây giờ, mà vài năm nay trên thị trường đã xuất hiện những sản phẩm phản giáo dục này.
Học trò yêu thầy giáo; những mối tình đồng tính; anh em ruột có quan hệ tình dục... là nội dung của những cuốn chuyện tranh được thuê rất dễ dàng này. Ngoài hình ảnh, lời bình gợi dục, nội dung của nhiều truyện còn biến thái, loạn luân, trái với luân thường đạo lý.
Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin là một trong những Nhà xuất bản phát hành truyện tranh gợi dục. Ông Giám đốc NXB từ chối trả lời phỏng vấn với lý do bận chuẩn bị giải trình với Bộ chủ quản về vấn đề này, và phát biểu trên truyền hình vào thời điểm này là bất lợi.
Tuy nhiên, qua câu chuyện với ông Giám đốc, nhiều vấn đề về quản lý xuất bản được đặt ra. Hầu hết những truyện tranh gợi dục đều là sách liên kết, do các công ty tư nhân, các nhà sách lo từ khâu bản quyền, dịch thuật đến in ấn, phát hành.
Có giấy phép trong tay, các nhà xuất bản được hưởng khoản quản lý phí. Trong cơ chế tự hạch toán kinh doanh, chính các nhà xuất bản đã thoả hiệp với đối tác, chạy theo lợi nhuận, để phát hành những cuốn truyện tranh bạo lực, sex với độc giả chủ yếu là các em tuổi mới lớn, mà NXB gọi là tuổi teen, 15, 16+.
Khâu thẩm định, phát hành như vậy. Còn việc hậu kiểm trước khi sách đưa ra thị trường, theo ông Lý Bá Toàn - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, hiện nay, rất nhiều NXB không nộp lưu chiểu mà vẫn phát hành sách nên việc kiểm soát rất khó khăn. Còn nếu có nộp thì kiểm soát cũng không dễ.
Các nhà quản lý thì lúc nào cũng có lý do để biện hộ cho khó khăn của mình, mà điều đó thì dư luận khó lòng đồng cảm. Về phần các nhà xuất bản, vẫn biết trong cơ chế thị trường, rất khó cân bằng giữa lợi nhuận kinh tế và nhiệm vụ tư tưởng, nhưng không phải vì thế mà vin vào lý do ấy để tiếp tục cho ra những sản phẩm làm sai lạc nhận thức và phẩm cách của cả một thế hệ!
Theo VTV