Quảng Ninh hiện cũng là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và hàng không theo hình thức PPP.
Thu hơn 8 đồng từ 1 đồng “vốn mồi”
Tại Hội nghị xúc tiền đầu tư lần đầu tiên do Quảng Ninh tổ chức cách đây 6 năm, không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém còn tồn tại về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang “kìm hãm” sự phát triển của Quảng Ninh. Chính sự bất lợi về giao thông đã khiến cho Quảng Ninh – vốn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa thể mời gọi đầu tư từ bên ngoài
Nhận thấy rõ những bất lợi, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đưa ra nhiều ý tưởng đột phá, dám nghĩ dám làm. Ông Trương Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh cho biết, 5 năm qua, từ 1 đồng ngân sách làm “vốn mồi”, Quảng Ninh đã thu hút được hơn 8 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch. Ước tính số tiền thu hút ngoài ngân sách lên tới 190.000 tỉ đồng. Nhờ đó, tỉ lệ đầu tư công ngày một giảm, từ 60% năm 2010 xuống còn 37% năm 2015. Trong đó, đầu tư từ khu vực tư nhân tăng lên rõ rệt - chiếm khoảng 33% tổng vốn đầu tư.
Theo ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh, với cách làm như vậy, không chỉ tất cả những công trình giao thông trọng điểm đều được làm nhanh, gọn và phát huy hiệu quả ngay sau đầu tư, mà còn nhờ đó, Quảng Ninh dành thêm được nhiều nguồn vốn ngân sách cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội khác. Chỉ tính riêng nguồn vốn các nhà đầu tư tư nhân bỏ ra làm các dự án giao thông trọng điểm tại Quảng Ninh từ năm 2013 - 2017 đã lên tới trên 35.000 tỉ đồng.
Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh với Hải Phòng vừa được khánh thành ngày 1/9, rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180 km xuống còn 130 km. (Nguồn: Zing) |
Ngay từ lúc đầu khi mới bắt tay vào đổi mới, Quảng Ninh đã chỉ đạo quy hoạch không làm đơn lẻ mà làm đồng bộ 7 quy hoạch chiến lược. Khi làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng đồng thời triển khai ngay quy hoạch chung xây dựng, xác định liên kết vùng, giao thông chiến lược. Thời cơ để quy hoạch của Quảng Ninh đã đến, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai, vốn đầu tư giao thông được “xoay trục” để làm dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, đặc biệt, Quảng Ninh được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để tạo đột phá.
Với hướng đi đúng đắn, cách làm linh hoạt, sáng tạo, vài năm trở lại đây, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 10.172 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 19.828 tỷ đồng). Nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cầu Bắc Luân II; đường dẫn Cầu Bắc Luân II; cải tạo, nâng cấp QL18 từ Đông Triều đến Mông Dương; đường Đông Triều - Lục Nam (Bắc Giang); đường Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; đường giao thông kết nối đường Trới - Vũ Oai với QL18 qua KCN Việt Hưng… Nhiều dự án trọng điểm khác như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…cũng được khởi công trong năm 2018.
Những công trình dự án trên đã làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu giao thông, đô thị Quảng Ninh, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Tạo niềm tin nơi nhà đầu tư
Trước đây, Quảng Ninh vẫn chủ yếu phải dựa vào nguồn ngân sách địa phương để làm giao thông nên chủ yếu vẫn tập trung vào các dự án nội vùng, thiếu sự liên kết ra bên ngoài. Từ khi vận dụng tốt mô hình PPP, quy hoạch được phê duyệt, các nhà đầu tư đổ vốn vào nhiều hơn, nguồn ngân sách của Quảng Ninh từ đó cũng dần tăng lên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện kể lại, ngay từ đầu, tỉnh đã xác định mong muốn của tỉnh, nguyện vọng của nhà đầu tư, từ đó phân chia công việc cho cả hai. “Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính. Đây là hai nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Ninh tập trung chỉ đạo và Bí thư cấp ủy sẽ là Trưởng ban giải phóng mặt bằng”, ông Diện nói.
Và khi nhà đầu tư đến, lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ các sở, ban, ngành và địa phương làm việc ngay từ đầu để thống nhất nhận thức và phương châm hành động, bảo đảm được chủ trương thống nhất từ trên xuống dưới, trình tự đúng pháp luật từ dưới lên trên. Nhà đầu tư đưa ra ý tưởng, tập thể lãnh đạo tỉnh, ban ngành, địa phương cùng ngồi nghe, nếu thống nhất sẽ làm trình tự từ dưới lên, bảo đảm quy định pháp luật, tỉnh thống nhất chủ trương nhưng không áp đặt, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Nhờ những chính sách linh hoạt, tư duy dám nghĩ dám làm, Quảng Ninh đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. (Nguồn: Hạ Long Tourism) |
Không chỉ song hành cùng nhà đầu tư, Quảng Ninh còn cam kết với ngân hàng để hỗ trợ cho nhà đầu tư với những hành động thực tiễn để các ngân hàng thấy rằng tài trợ vốn cho địa phương là yên tâm.
“Với dự án cầu Bạch Đằng, thời gian đầu ngân hàng chưa giải ngân, niềm tin còn chưa vững vì chưa biết khi nào dự án mới thực hiện. Nhưng khi biết Quảng Ninh tích cực triển khai dự án cao tốc, đường dẫn, chứng minh được khả năng bố trí nguồn vốn ngân hàng bắt đầu tin tưởng. Chúng tôi cũng chủ động trao đổi với ngân hàng cần phải hỗ trợ những văn bản gì theo quy định pháp luật mà tỉnh có thể ban hành để sẵn sàng giúp nhà đầu tư”, ông Diện cho hay.
Nhờ những chính sách linh hoạt, tư duy dám nghĩ dám làm, Quảng Ninh đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư, không chỉ nhà đầu tư trong nước như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sun Group…mà còn nhiều nhà đầu tư đến từ các nước trong khu vực và thế giới.