Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. (Nguồn: VGP) |
Với đặc thù về vị trí địa lý, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng yếu trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến phức tạp, chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có điều kiện. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Ngành Hải quan Quảng Ninh đã và đang tăng cường kiểm soát khu vực cửa khẩu, vùng giáp biên có đường mòn, lối mở, kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn.
Những con “sóng ngầm”
Quảng Ninh phía Đông Bắc giáp với nước bạn Trung Quốc, lại vừa có các tuyến cảng biển rộng, cảng hàng không quốc tế, giao lưu thương mại rộng mở, nên vấn nạn buôn lậu và gian lận thương mại thường xuyên diễn ra rất phức tạp.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh cho biết, “Trong năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.056 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 48,82 tỷ đồng (giảm 17% so với số vụ, tăng 0,25% về giá trị). Xử lý hình sự 58 vụ/55 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 2.298 trường hợp. Tiền thanh lý hàng tịch thu và xử lý vi phạm hành chính là trên 36 tỷ đồng. Vi phạm lĩnh vực thuế nội địa 1.478 vụ, tiền phạt vi phạm hành chính 82,55 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung 209,5 tỷ đồng.”
Đây có thể coi là những cơn “sóng ngầm” đang làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu đã có xu thế giảm dần về số lượng so với các năm trược nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (cơ quan trực thuộc Chính phủ Việt Nam với nhiệm vụ về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ban Chỉ đạo là cơ quan liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An) và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành cơ sở.
Theo PGS. TS. Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia chia sẻ: “Với nỗ lực toàn lực lượng từ trung ương đến địa phương, Quý I/2019, toàn lực lượng bắt và xử lý 33.549 vụ vi phạm (tăng 10% so cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16% so cùng kỳ). Những kết quả nêu trên đã góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Phương thức chắn “sóng gầm”
Có được những kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành cơ sở. Ban Chỉ đạo 389 từ Trung ương đến địa phương đã quán triệt triển khai nhiệm vụ công tác ngay từ những ngày đầu năm 2019. Ban Chỉ đạo các cấp chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như đảm bảo chính sách an sinh xã hội… Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cũng chủ động thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt, Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; quản lý và xử lý có hiệu quả thông tin đường dây nóng; tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Số rượu ngoại bị thu giữ trên do vận chuyển trái phép. (Nguồn: BQN) |
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh trăn trở, chống buôn lậu, gian lận trong thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa cần phải thực hiện một cách quyết liệt, công khai minh bạch. Bên cạnh quyết liệt về phát hiện và xử lý vi phạm thì cần đẩy mạnh tuyên truyền tới từng người dân doanh nghiệp, để họ hiểu những chính sách và quy định của pháp luật, không thực hiện những hành vi trái với pháp luật như vậy mới là “triệt cỏ triệt tận gốc”.
Ban Chỉ đạo 389 Tỉnh cũng quán triệt, không thể để khi có chuyện xảy ra lại thuộc “trách nhiệm tập thể” mà phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nghiêm trọng, kéo dài theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực địa bàn được phân công quản lý.
Các đơn vị, lực lượng chức năng đặc biệt là các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn đặc biệt là kiểm soát tốt các hoạt động tại cửa khẩu, cảng biển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thông thoáng trong thủ tục xuất, nhập khẩu...
Trong buổi họp báo nhằm thông báo rộng rãi tới các cơ quan thông tấn báo chí và bạn đọc, bạn xem truyền hình trong cả nước về kết quả của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2019 và nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 389 Quốc gia Quý II/2019, PGS. TS Đàm Thanh Thế đã khẳng định: “kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh kinh tế - trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách và đã được nhân dân ghi nhận, ủng hộ”.