Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam chính thức đi vào sản xuất kinh doanh từ tháng 10/2023, hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Quảng Ninh đã thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay.
Cột mốc quan trọng
Tháng 6/2023, Tập đoàn Foxconn - một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới tiếp tục đầu tư hai dự án sản xuất tại Quảng Ninh là dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh tại KCN Sông Khoai.
Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 200,24 triệu USD, với mục tiêu hình thành một nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện, dự kiến hoàn thành, đi vào sản xuất từ tháng 1/2025; cung cấp việc làm cho gần 1.200 lao động.
Còn dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư khoảng 46 triệu USD, với mục tiêu sản xuất và gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm truyền thông. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động dự kiến vào tháng 10/2024.
Việc 2 dự án này được đưa vào đầu tư đã nâng số dự án của Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh lên 3 dự án, với tổng số vốn trên 350 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam).
Trong những ngày tháng 10 đầy ý nghĩa kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1) đã chính thức được khởi động, đi vào vận hành sản xuất.
Dự án Jinko 1 kết hợp với Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2) hoạt động từ tháng 1/2022 đã hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh.
Khi đi vào hoạt động 100% công suất, dự án sẽ tạo ra doanh thu ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,37 tỷ USD); xuất khẩu 100% sản phẩm sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Sau thời gian được hưởng ưu đãi, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng/năm (tương đương 62 triệu USD/năm) qua thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.500 lao động với mức lương trung bình khoảng 13 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra tại KCN Bắc Tiền Phong. (Nguồn: BQN) |
Cũng trong ngày Jinko 1 chính thức vận hành sản xuất, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34.657 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng khi giúp Quảng Ninh thu hút được hơn 3 tỷ USD vốn FDI, vượt qua những “đầu tàu” như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... để đứng đầu cả nước trong 10 tháng năm 2023, mà còn thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng của Tập đoàn Jinko Solar, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới nói chung vào môi trường đầu tư của Quảng Ninh.
Hiện số dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh là 22, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3,08 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn tăng thêm 26,41 triệu USD; cấp 3 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt 1,02 triệu USD.
Các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đối với các dự án thu hút mới, Hong Kong dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Đài Loan, Singapore, Thụy Điển, Trung Quốc...
Bên cạnh thu hút FDI, dấu ấn đậm nét của Quảng Ninh trong năm 2023 cũng phải kể đến việc tỉnh đã về đích ngoạn mục mục tiêu thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách sớm hơn gần nửa năm.
Đến thời điểm, tổng vốn thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD (tương đương 47.000 tỷ đồng), vượt 17,3% kế hoạch của UBND tỉnh. Số dự án được cấp mới chủ trương đầu tư là 18 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư là 7 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực khai khoáng.
KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). (Nguồn: BQN) |
Lý do nhà đầu tư "chọn mặt gửi vàng"
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh cho biết, việc các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Quảng Ninh tiếp tục đầu tư các dự án mới trên địa bàn cho thấy sự tin tưởng vào những cam kết của tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Quảng Ninh không chỉ là điểm đến hấp dẫn do những yếu tố về vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng mà đã thực sự khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước.
Cột mốc mới của Quảng Ninh cho thấy, địa phương tiếp tục là điểm đến “an toàn, tin cậy, hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là thành quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Nền móng vững chắc đầu tiên cho việc tạo dựng vị thế trong thu hút đầu tư phải kể đến là tỉnh đã và đang quyết liệt cải cách thực chất các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, việc phát huy hiệu quả các mô hình tiên phong, cách làm đột phá như trung tâm hành chính công các cấp, cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, mô hình "Cafe doanh nhân" và hội nghị gặp mặt doanh nghiệp...
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh; khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các dự án FDI chất lượng.
Công tác xúc tiến đầu tư cũng được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện, đổi mới cả về nội dung và phương thức, thu về nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc số hóa mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư, cải tiến bộ tài liệu, dữ liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh để quảng bá tới các nhà đầu tư một cách nhanh nhất, chính xác nhất về tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.
Đồng thời ,chủ động, tích cực trong việc xúc tiến đầu tư với các đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Châu Nghĩa Văn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam nhận định, chuyện những dự án đầu tư tỷ USD xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Quảng Ninh không phải do tỉnh đưa ra nhiều ưu đã hơn mà do lãnh đạo tỉnh đã chủ động tìm tới những nhà đầu tư lớn, ngay cả khi họ chưa có nhu cầu mở rộng đầu tư.
Ví dụ điển hình là khi nghe thông tin Foxconn sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam thì lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp cận và mời đại diện của Foxconn tại Việt Nam về Quảng Ninh tìm hiểu đầu tư.
"Chính sự chân tình, cởi mở đón tiếp của tỉnh đã đưa tới kết quả Foxconn chọn đầu tư vào KCN Đông Mai, TX Quảng Yên sau 16 năm phát triển, đầu tư tại Việt Nam. Điều này được Tập đoàn tính toán kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội và cả năng lực điều hành, chỉ đạo của địa phương. Nhất là khi Quảng Ninh đã có 6 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)", ông Châu Nghĩa Văn khẳng định.
Vị trí dẫn đầu toàn quốc về thu hút FDI trong 10 tháng năm 2023, với con số hơn 3 tỷ USD sẽ là tiền đề vững chắc để Quảng Ninh quyết tâm chinh phục thêm các cột mốc mới, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, là “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới tới xây dựng và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.