Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28/3, tại Hà Nội.
Ở vị trí dẫn đầu, Quảng Ninh đạt 70,36 điểm trên thang điểm 100, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An 68,09 điểm, Bến Tre 67,67 điểm. Các tỉnh thành tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là sau nhiều năm giữ vững ngôi đầu, 2017 Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ hai, còn lần này "rơi" xuống thứ năm.
Tỉnh Quảng Ninh đạt 70,36 điểm trên thang điểm 100, tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng PCI 2018. |
Vị trí cuối bảng không có thay đổi so với năm trước, vẫn là Đắk Nông. Lần lượt từ cuối bảng lên sau Đắk Nông là Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn, Kon Tum...
Kết quả trên cho thấy, những nỗ lực không ngừng nghỉ của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Năm 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để giữ vững ngôi vị quán quân PCI, năm 2018, Quảng Ninh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp chính, 11 nhóm giải pháp tổ chức triển khai thực hiện cụ thể. PAPI, DDCI… của tỉnh được thực hiện đối với các sở, ngành, địa phương là những công cụ hỗ trợ cho PCI giành điểm trong cuộc đua toàn quốc.
Bốn địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018. |
Năm 2018 lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa chỉ số SIPAS (kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) vào bộ chỉ số cải cách hành chính. Và đây cũng là năm đầu tiên Tỉnh triển khai thực hiện đánh giá cải cách hành chính đối với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn gồm: Công an, Hải quan, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước.
Cùng với đó các giải pháp như sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận các kiến nghị, góp ý của người dân, doanh nghiệp; duy trì mô hình “cà phê doanh nhân” định kỳ hàng tháng với các chuyên đề khác nhau để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; 6 tháng/lần tổ chức hội nghị quy mô cấp tỉnh gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại sự kiện. |
Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương của Việt Nam.
Điều tra PCI năm 2018 cho thấy, một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có sự thay đổi tích cực hơn so với 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.
Điều tra PCI năm 2018 cũng cho thấy mức độ lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới tiếp tục ở mức tương đối cao, 49% doanh nghiệp dân doanh và 56% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy dấu hiệu gia tăng của tỷ lệ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ.