Bên cạnh nhiều lợi ích kinh tế, việc quốc tế hóa NDT sẽ giúp Trung Quốc có được: thứ nhất, khả năng buộc các quốc gia đang phụ thuộc vào NDT trong các hoạt động quốc tế phải chấp nhận dành cho Trung Quốc các quyền lợi ảnh hưởng hoặc lợi thế chính trị quan trọng; thứ hai, khả năng đạt được điều Trung Quốc muốn thông qua thuyết phục hoặc thu hút; thứ ba, duy trì sự ổn định của đồng NDT thông qua việc các nước phụ thuộc vào đồng tiền này nhận thấy họ có lợi trong việc đảm bảo sự ổn định của đồng NDT.
Quốc tế hóa NDT trước hết vẫn phụ thuộc vào thành công của cải cách kinh tế. (Nguồn: Openmarkets) |
Những cải cách hỗ trợ quốc tế hóa NDT
Để quá trình quốc tế hóa đồng NDT diễn ra thuận lợi, Trung Quốc đã có nhiều cải cách quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đó là, vào tháng 8/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thay đổi cơ chế xác định tỷ giá bằng cách dần để thị trường quyết định và thu hẹp chênh lệch tỷ giá của đồng NDT trong và ngoài nước. Tiếp theo, PBoC và Ủy ban giám sát chứng khoán quốc gia Trung Quốc cũng đã kết nối sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến với Hong Kong, nới room đầu tư cho các quỹ đầu tư ngoại. Thêm nữa, nước này tiến hành tự do hóa lãi suất ở cả hai chiều huy động – cho vay trong năm 2015. Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới cho phép các ngân hàng trung ương (NHTW) tự do đầu tư vào thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc. Hơn thế, Bộ Tài chính lần đầu tiên phát hành trái phiếu kỳ hạn ba tháng. Cuối cùng, họ cũng thành lập Khu thương mại tự do Thượng Hải (SFTZ) để thúc đẩy cải cách tự do hóa tài chính tiền tệ vào năm 2013.
Thực tiễn quốc tế hóa NDT
Thanh toán thương mại bằng NDT là một trong những kênh được thúc đẩy mạnh mẽ. Tháng 8/2011, Trung Quốc tuyên bố thực hiện thanh toán thương mại bằng NDT trong phạm vi cả nước. Báo cáo gần đây của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của NDT với vai trò là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế, từ chỗ chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng giao dịch thương mại toàn cầu vào tháng 1/2012, đến cuối năm 2013, tỷ trọng này đã tăng lên xấp xỉ 9%.
Trung Quốc nỗ lực hình thành các thị trường giao dịch NDT tại hải ngoại (Offshore market). Sau Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Anh, Luxembourg, Qatar là nền kinh tế tiếp theo mở thị trường giao dịch NDT. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các thị trường này là, ngoại trừ Hong Kong – chiếm tới trên 70% giá trị giao dịch, các thị trường khác đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chẳng hạn, London chỉ chiếm 6% giá trị giao dịch NDT tại hải ngoại.
Phát hành trái phiếu NDT chủ yếu diễn ra ở Hong Kong với lượng giao dịch khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày. Điều này cho thấy thị trường NDT ở Hong Kong vẫn còn nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc triển khai xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc (CIPS) được khởi động vào cuối năm 2015 với mục tiêu đưa NDT tiến thêm một bước, trở thành đồng tiền giao dịch toàn cầu. Hệ thống mới này sẽ giúp việc chuyển tiền thanh toán NDT dễ dàng như với USD và Euro, đồng thời giúp cho Trung Quốc giảm phụ thuộc vào USD. Trung Quốc đã chọn 20 ngân hàng để thử nghiệm, gồm 13 ngân hàng trong nước và 7 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chính phủ nước này cũng thông qua các định chế tài chính mới như AIIB và Một vành đai, Một con đường (OBOR). Mặc dù AIIB đã xác định đồng tiền chính thức trong các khoản vay do định chế này tài trợ, nhưng thúc đẩy hợp tác tài chính, sử dụng NDT để đầu tư trái phiếu của Trung Quốc và khuyến khích thanh toán thương mại song phương bằng NDT, nên OBOR được kỳ vọng là một chương trình hợp tác tổng thể để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa NDT.
Những thách thức chính
Hiện nay, tỷ trọng thanh toán bằng NDT vẫn thấp và chưa ổn định. Số liệu SWIFT cho thấy đến cuối 2016, tỷ trọng này lại về mức 2,45%. Như vậy, tỷ trọng và vị trí của NDT với tư cách là đồng tiền thanh toán vẫn rất hạn chế và biến động lớn qua mỗi năm.
Thêm nữa, tỷ trọng dự trữ NDT rất thấp. Việc quốc tế hóa không có nhiều ý nghĩa thực chất nếu các NHTW không nắm giữ một đồng tiền nào đó như công cụ dự trữ. Tỷ trọng dự trữ của các đồng tiền chủ chốt vẫn rất ổn định, với vị trí áp đảo của USD - chiếm trên 60% tỷ trọng dự trữ toàn cầu. Hiện các NHTW thế giới mới chỉ nắm giữ 600 tỷ tài sản bằng NDT, tức chưa đầy 1% dự trữ toàn cầu. Dự báo đến 2030 dự trữ NDT sẽ chỉ chiếm 5-6% dự trữ toàn cầu (tương đương mức dự trữ Yên Nhật), kịch bản lạc quan là chiếm 20% (ngang mức dự trữ Euro), nhưng khó xảy ra do các vấn đề cấu trúc của kinh tế Trung Quốc và suy giảm thương mại toàn cầu.
Lý do NDT ít được dự trữ là vì việc phát hành trái phiếu NDT vẫn chịu nhiều hạn chế. Nhưng rõ ràng, việc các NHTW sẵn lòng mua trái phiếu hay không - ở mức độ lớn – phụ thuộc vào đánh giá của họ đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc. Ở thời điểm này, triển vọng ấy rõ ràng không sáng sủa. Khoảng 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã bốc hơi chỉ trong vòng một năm phản ánh lo ngại của nhà đầu tư. Và quốc tế hóa NDT trước hết vẫn phụ thuộc vào thành công của cải cách kinh tế, chính trị Trung Quốc trong 5 năm tới.