Toàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm với các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ. |
PV: Chào ông Kiên, rất vui được gặp ông tại buổi tọa đàm này. Xin ông cho biết, ông tham gia với vai trò gì?
Ông Phạm Đức Trung Kiên: Tôi đến đây với tư cách là đại diện cho quỹ đầu tư TPG Capital của Hoa Kỳ, trong vai trò cố vấn cao cấp của quỹ trong suốt 17 năm qua. Đây là một buổi trao đổi rất thú vị giữa Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm và các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Xin ông cho biết, hiện quỹ TPG đang đầu tư vào Việt Nam như thế nào?
Hiện tại, TPG đang quản lý khoảng 230 tỷ USD. Chúng tôi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006 đến nay, khởi đầu với FPT trong lĩnh vực công nghệ, tiếp theo là Masan trong ngành thực phẩm, CrowX trong lĩnh vực siêu thị và cửa hàng tiện ích, chuỗi trường Việt Úc trong lĩnh vực giáo dục, và chuỗi bệnh viện Columbia trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu các cơ hội đầu tư thêm vào Việt Nam.
Vì sao quỹ TPG lại chú trọng đến thị trường Việt Nam như vậy?
Là một tổ chức đầu tư quốc tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự ổn định của thị trường, xã hội và cả thể chế chính trị. Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam đã quản lý tốt sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự an tâm trong việc đầu tư. Chính phủ Việt Nam thực hiện những chính sách này với tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, từ đó mang lại lợi ích chung cho các nhà đầu tư như chúng tôi, và đó là một điều rất tốt.
Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của Việt Nam trong lĩnh vực này?
Tôi tin rằng xác suất thành công của Việt Nam là rất cao. Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông và Internet, với khả năng kết nối tốt trong nước và quốc tế. Người dân Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận Internet rất cao với chi phí thấp hơn nhiều quốc gia khác. Đây là một nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế số và xã hội số trong tương lai. Một ví dụ điển hình là 4 tháng trước, công ty sản xuất thiết bị bán dẫn cho trí tuệ nhân tạo Nvidia đã ký kết với FPT để mở nhà máy AI Factory đầu tiên tại Việt Nam – một thành tựu lớn cho cả FPT và Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực hiện cuộc cách mạng số hóa, yếu tố con người cũng rất quan trọng. Theo ông, Việt Nam đã có đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu này chưa?
Theo ý kiến của tôi, hiện tại Việt Nam chưa có đủ nhân sự. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm qua, các trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, và gần đây là Đại học FPT đã đào tạo hàng trăm nghìn kỹ sư phần mềm. Như Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh trong buổi họp, Việt Nam có đủ điều kiện để vừa tiến hành chuyển đổi số vừa đào tạo thêm nhân lực, kể cả việc đào tạo ở nước ngoài.
Ông nghĩ gì về vai trò của các công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam?
Các công ty như Microsoft, Intel, Samsung, và Synopsys đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc đào tạo nhân lực. Tôi tin các công ty sắp tới như Nvidia và Qualcomm cũng sẽ tham gia tích cực vào việc này.
Ông có thông điệp nào dành cho các công ty hoặc tổ chức tài chính còn hoài nghi về thị trường Việt Nam không?
Thực ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Sự hoài nghi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi khuyên những ai còn do dự hãy tìm hiểu qua các công ty lớn như Microsoft, Facebook, Meta, Google, và Apple. Ngoài ra, hãy nhìn vào sự năng động và khát khao học hỏi của giới trẻ Việt Nam để có cái nhìn chính xác hơn về con đường tươi sáng mà đất nước này đang đi.
Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi.