📞

Quyền tiếp cận thông tin: Người dân biết để "đòi" chứ không phải "xin"

22:20 | 28/09/2018
Trong bối cảnh hội nhập, việc nước ta thông qua và đưa Luật tiếp cận thông tin vào cuộc sống có thể coi là bước tiến đáng ghi nhận. Vấn đề đặt ra là thực hiện luật này như thế nào để đảm bảo quyền công dân?

Đó là thông điệp đưa ra tại tọa đàm “Nhà báo và công dân trong thực thi và tiếp cận thông tin” diễn ra chiều 28/9 tại Hà Nội do sự phối hợp của Mạng lưới đất rừng (FORLAND) cùng với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và Oxfam Quốc tế tại Việt Nam tổ chức. 

Luật có đi vào cuộc sống?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Luật tiếp cận thông tin được chính thức thi hành từ 1/7/2018. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là luật có đi vào cuộc sống hay không? Phải nói rõ thông tin là gì? Thông tin nào được cung cấp? Ai có trách nhiệm cung cấp và cung cấp bằng cách nào? Đặc biệt, thông tin trong Luật tiếp cận thông tin phải chính thống, có kí, đóng dấu của cơ quan nhà nước.

“Chúng ta cũng nên lưu ý sự đan xen giữa quyền tiếp cận thông tin và quyền được bảo vệ bí mật cá nhân. Mảng thông tin liên quan đến đời sống của người dân như quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, đất đai, bồi thường, chỉ tiêu môi trường, chỉ tiêu nước, an toàn thực phẩm… Đây được xem như là “ô xi của cuộc sống” nên chúng ta đều cần”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: YN)

Đánh giá về lượng thông tin công dân được tiếp cận, TS. Ngô Minh Hương,Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Luật tiếp cận thông tin là kỳ vọng của công chúng để xã hội “mở” hơn.

“Thực ra, theo xu hướng chung của các nước trên thế giới là làm cho thông tin càng mở, càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ, cần phải có thêm những quy định đâu là thông tin mật, đâu là thông tin mở. Từ đó để người dân có thể tiếp cận dễ dàng với những thông tin liên quan đến các hoạt động công quyền, chính sách của nhà nước”, TS. Ngô Minh Hương đặt vấn đề.

Cũng theo Bà Ngô Minh Hương, từ khi luật có hiệu lực, không ít người dân vẫn còn e ngại. Dù có nhu cầu tiếp cận thông tin nhưng họ chưa biết ứng dụng, áp dụng luật như thế nào.

Dưới góc độ của một nhà báo, ông Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị cho rằng, trong thực tiễn đổi mới ở Việt Nam, việc tiếp cận thông tin là cần thiết để người dân tham gia vào công việc của xã hội, đất nước.

“Tôi nghĩ, thực thi quyền tiếp cận thông tin vẫn còn nhiều trở ngại. Cần phải có nhiều biện pháp để thúc đẩy các tổ chức, cơ quan Nhà nước nhận thức lại vai trò tiếp cận thông tin của người dân trong việc thúc đẩy công việc chung của đất nước”, Nhà báo Tâm Chánh chia sẻ.

Tạo cơ hội "mở" cho người dân

Đưa ra thông điệp của mình, Nhà báo Tâm Chánh cho rằng làm sao chúng ta có thể đưa luật vào cuộc sống? Làm sao để các cơ quan Nhà nước nhận thức tốt hơn vai trò của mình? Đặc biệt, quan trọng là làm sao để người dân nhận thức được quyền của mình để “đòi” chứ không phải đi “xin”. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin theo quy định.

“Chúng ta sống trong xã hội số, tôi nghĩ việc xây dựng một hệ thống dữ liệu các quy phạm pháp luật cũng như các dữ liệu thông tin của các cấp Nhà nước là cần thiết. Qua đó, tạo cơ hội mở, để người dân quen dần với việc tiếp cận mới, thiết lập thói quen mới”, Nhà báo Tâm Chánh nói.

TS. Ngô Minh Hương chia sẻ, sẽ rất khó để có một giải pháp cụ thể. Nhà báo là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong quyền được biết về Luật tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp nhà báo bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin hoặc bị hành hung.

Chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. (Ảnh: YN)

“Chúng ta phải quy định chặt chẽ như thông tin không chính xác sẽ xử phạt như thế nào với nhà báo? Nếu muốn Luật tiếp cận thông tin được thực thi, chúng ta phải nhìn lại các cơ chế, thể chế, chế tài đối với nhà báo, kể cả luật mới như luật an ninh mạng. Theo tôi, ngoài việc phổ biến luật, năng lực để xử lý thông tin cũng rất quan trọng”, TS. Ngô Minh Hương băn khoăn.

Đề xuất về giải pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho hay, điều đáng ngại nhất ở khía cạnh vừa cung cấp thông tin nhưng vẫn đảm bảo bí mật của cá nhân. Đó là kỹ năng cung cấp thông tin.

“Theo tôi, cần phải tăng cường giám sát. Thực tế, công khai rộng rãi thông tin để người dân nắm bắt được dễ dàng là một thách thức. Trong thời Cách mạng Công nghiệp 4.0, với sự thuận lợi của công nghệ, phải làm sao để luật đến gần với người dân hơn, để họ ý thức được quyền của mình một cách thiết thực nhất”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.