📞

Quyết gỡ ‘thẻ vàng’ IUU

An Sinh 10:00 | 06/07/2024
Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đã có sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Tàu đánh bắt cá neo đậu ở cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: TTXVN)

Những chuyển biến tích cực mà Việt Nam đạt được là thành quả của quyết tâm, nỗ lực cả về xây dựng luật pháp, cũng như triển khai trên thực tế, kể từ tháng 10/2017 - ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” cảnh cáo.

Thực tế, những cải thiện trên đã được EC ghi nhận qua bốn lần thanh tra trước đây. Sự khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện thể chế ngày càng rõ nét chuẩn bị cho lần kiểm tra thứ năm - coi như lần cuối với mong muốn chứng minh được sự cải thiện của Việt Nam qua từng khuyến cáo của EC.

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý bằng việc ban hành, sửa đổi và bổ sung Luật Thủy sản năm 2017 và nhiều nghị định, thông tư khác có liên quan. Đặc biệt, mới đây nhất là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bên cạnh đó, Việt Nam tăng chế tài và đẩy mạnh xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU. Tính đến 21/5, Việt Nam đã có 98,25% số tàu cá từ 15m trở lên được trang bị Hệ thống giám sát hành trình (VMS) và đang sớm hướng tới việc hoàn thành 100%. Các khuyến nghị của EC về thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác... đều đã có sự cải thiện tốt hơn.

Tại các địa phương có biển trên cả nước, nhờ sự tích cực trong kiểm tra, rà soát tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) và tổ chức cho đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác khi bảo đảm điều kiện theo quy định; mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát... nên số tàu, thuyền đăng ký, đăng kiểm, gắn thiết bị liên lạc... tăng nhanh.

Nỗ lực của Việt Nam hiện được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Học giả Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) nhận định, các bộ, địa phương của Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo ra những thay đổi rõ rệt trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Các khuyến nghị của EC đều đã được đưa vào Luật Thủy sản, song việc thực thi luật đã bộc lộ một số thách thức do nguồn nhân lực còn hạn chế và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các địa phương.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Christian Vidal-León, từng là luật sư giải quyết tranh chấp tại Bộ phận các vấn đề pháp lý và Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm của WTO cho rằng, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực phù hợp để ngăn chặn hoạt động IUU, đồng thời nỗ lực đàm phán, thảo luận để sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

EC lùi thời gian sang Việt Nam đánh giá IUU lần thứ năm, có thể vào tháng 9 hoặc 10 tới. Khả năng EC muốn chờ kết quả triển khai Nghị định 37 và 38/NĐ-CP (ban hành vào tháng 4/2024), về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, từ đó mới có quyết định cuối cùng.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong gần bảy năm qua, Việt Nam tự tin đã và đang đi đúng hướng, thể hiện qua những chuyển biến đáng ghi nhận trong việc chống khai thác IUU, vì sự phát triển bền vững ngành thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng ta đã xác định rõ - “thẻ vàng” IUU không chỉ là vấn đề của ngành thủy sản mà còn là uy tín hàng Việt Nam và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.