📞

Quyết sách phi thường trong giai đoạn bất thường!

Nguyễn Hoài Bắc* 09:35 | 31/01/2022
Đáp ứng với các vấn đề nóng đã và đang tiếp tục diễn ra, cần phải có quyết sách phi thường trong giai đoạn bất thường của nền kinh tế.
Nhà nước phải là bệ đỡ và là bệ phóng cho doanh nghiệp bằng cơ chế và thể chế, chính sách mới, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của đất nước và vòng quay của thế giới. (Nguồn: Molisa)

Hai năm qua (2020-2021), đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và đầu tư.

Việt Nam đã ứng phó kịp thời với đại dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp và bất thường, chúng ta cần phải có sự đồng thuận cao từ cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp của nhà nước. Đáp ứng với các vấn đề nóng đã và đang tiếp tục diễn ra, cần phải có quyết sách phi thường trong giai đoạn bất thường của nền kinh tế.

Quốc hội đã đưa ra bàn thảo nhiều vấn đề lớn của đất nước. Theo cá nhân tôi, cần tập trung vào khôi phục và phát triển kinh tế. Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Nghị quyết giao cho Chính phủ toàn quyền xử lý các vấn đề có liên quan đến phòng và chống đại dịch.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có gói hỗ trợ cho bà con bị mất công ăn, việc làm do khu vực bị phong toả dài ngày, do nhà máy, hãng xưởng đóng cửa. Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng với lãi suất thấp, gói giảm phí, lệ phí và thuế cho các doanh nghiệp thuê đất và thuế thu nhập cá nhân…

Nhìn trên văn bản, chúng ta thấy các gói hỗ trợ là rất lớn, nhưng tiền giải ngân thì không đạt như yêu cầu đặt ra bởi đến hết năm 2021, theo báo cáo tổng số tiền giải ngân không vượt qua con số 28%. Điều này khẳng định rằng chính sách tốt nhưng thực thi thì không tốt.

Cuối năm 2021, nhìn vào báo cáo của cấp có thẩm quyền, con số đạt 630 tỷ USD là chưa từng có về xuất khẩu trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng trong đó, chiếm hơn 80% là của các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đủ các ngành hàng cũng chỉ chiếm tỷ trọng không quá 20%, chủ yếu là nông-lâm-ngư nghiệp với vốn lớn, công sức nhiều, lợi tức thu về rất nhỏ, dẫn đến thực trạng nông dân, người làm công, người lao động tự do bị giảm mạnh nguồn thu.

Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ đầu năm 2022 rất lớn. Quốc hội thông qua gói hơn 350 ngàn tỷ đồng, tương đương với hơn 15,3 tỷ USD cho 4 hạng mục quan trọng trong đó có y tế, giáo dục, đầu tư công và ngân hàng. Đặc biệt, dự tính doanh nghiệp sẽ được mượn tiền với lãi suất thấp nhằm vực dậy sản xuất và nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất, với khoản tiền dự tính vào khoảng 110 ngàn tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD.

Giải pháp nào để 110 ngàn tỷ đồng này đến tay doanh nghiệp đang đói vốn, đang cần tiền để mua nguyên vật liệu vẫn là bài toán nan giải. Hầu như 100% doanh nghiệp muốn vay nhưng không còn tài sản thế chấp, doanh nghiệp vay bằng tín chấp thì khó khăn càng thêm khó bởi các rào cản kỹ thuật trong luật tín dụng và luật ngân hàng.

Muốn giải quyết vấn đề này, Chính phủ phải có chính sách bảo lãnh đối với các đối tượng có nhu cầu. Thời gian từ khi nộp hồ sơ, được xét duyệt và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đến khi được giải ngân kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm. Vì vậy cần phải có hướng dẫn và quy định cụ thể, buộc các đơn vị thực thi chính sách chấp hành theo thời gian đã được quy định.

Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, muốn đất nước hùng cường, dân có giàu thì nước mới mạnh. Quốc hội và Chính phủ với bất cứ lý do nào đi chăng nữa cũng phải nuôi sống doanh nghiệp, doanh nghiệp sống và phát triển sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc gia, doanh nghiệp sống mới có nguồn thu và nộp thuế cho ngân sách nhà nước, mới có cơ hội để ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh.

Thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, nhưng nhiều năm qua đi, thị trường tiêu thụ hàng hoá của chúng ta không được mở rộng, có chăng rất nhỏ, manh mún. Sản lượng những mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu, điều… luôn cao nhất nhì thế giới, nhưng giá trị thu về lại kém nhất thế giới.

Những nông sản xuất khẩu sản lượng lớn sang thị trường đông dân và dễ tính nhất thế giới là Trung Quốc thì luôn đi theo con đường tiểu ngạch và biên mậu. Cho nên, việc bị ép giá thấp nhất và bị hạn chế nhập khẩu từ bên kia biên giới thường xuyên xảy ra. Cũng không còn là việc “bất thường” nên cần Quốc hội và Chính phủ có giải pháp căn cơ và hữu hiệu.

Nhà nước phải là bệ đỡ và là bệ phóng cho doanh nghiệp bằng cơ chế và thể chế, chính sách mới, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của đất nước và vòng quay của thế giới. Kinh tế thị trường định hướng XHCN không thể chỉ là câu nói trên văn bản Nghị quyết, Quyết định và Thông tư, mà điều tiên quyết phải trúng và chuẩn, phù hợp với yêu cầu “cần và đủ” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.


* Doanh nhân Việt kiều tại Canada. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.