Ngày 7/4, Viện Pháp tại Hà Nội L’espace phối hợp với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch Nghệ thuật ATH tổ chức buổi họp báo giới thiệu vở kịch Chuyện người lính.
Tham dự buổi họp báo có ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, bà Nicole Wyrsch - Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Marcelino Martin Valente - Giám đốc âm nhạc, đạo diễn vở nhạc kịch, ông Trịnh Tùng Linh - Phó Giám đốc Dàn giao hưởng Việt Nam và hoạ sĩ Nguyễn Mỹ Anh - phụ trách hình ảnh và minh họa.
Ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Kỳ Duyên) |
Chuyện người lính là tác phẩm kịch mang tính đa quốc gia bởi nhà văn viết Chuyện người lính là Charles-Ferdinand Ramuz là người Thụy Sỹ cùng với sự tham gia của đạo diễn người Pháp gốc Tây Ban Nha, chỉ huy dàn nhạc người Nhật, cùng với các nghệ sĩ Pháp đang sống tại Hà Nội và hoạ sĩ Việt Nam.
Chia sẻ về tác phẩm kịch với sự kết hợp đặc biệt này, đạo diễn Marcelino Martin Valente cho biết: “Đây là một dự án khó và phức tạp. Tình hình dịch bệnh và khoảng cách địa lý cũng cản trở quá trình thực hiện tác phẩm rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ có công nghệ, chúng tôi vẫn có thể tiến hành hợp tác với nhau. Vở kịch kết hợp rất nhiều yếu tố âm nhạc khi nhà soạn nhạc đã đưa nhiều phong cách, thể loại nhạc vào trong vở kịch này như nhạc jazz, valse, tango. Vậy nên khi theo dõi vở kịch này, người xem sẽ không cảm thấy nhàm chán”.
Trong vở kịch này có ba nhân vật: nhân vật thứ nhất là người lính, nhân vật thứ hai là quỷ và nhân vật thứ ba là người kể chuyện. Một điều độc đáo của tác phẩm là đôi lúc người kể chuyện của vở kịch cũng hoá thân thành nhân vật quỷ, điều này khiến cho vở kịch trở nên vô cùng hấp dẫn.
Xem Chuyện người lính, có một câu hỏi được đặt ra: cuộc sống của mình do mình định đoạt hay là để người khác vẽ nên tương lai của mình. Câu chuyện ấy được thể hiện qua hành trình của người lính, người lính đã bán đi cây violin của mình hay nói cách khác là bán đi tâm hồn và sự tự do của anh ta. Sau đó, anh ta đã phải chiến đấu với con quỷ để lấy lại sự tự do cũng như tâm hồn đã mất. Cả hai yếu tố thực tế và hư ảo tưởng tượng này sẽ được kết hợp trong vở kịch.
Theo ông Trịnh Phùng Linh, Phó Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, đây cũng là một thử thách lớn đối với dàn nhạc khi biểu diễn một vở opera thính phòng mà chỉ có 7 nhạc công. Tuy nhiên, ông tin rằng dự án sẽ đủ sức ghi dấu ấn trong lòng khán giả với cách làm mới và sự nỗ lực của toàn bộ ê-kip.
Các nghệ sĩ đang diễn tập trước ngày công diễn. (Ảnh: Yến Nhi) |
Tại sự kiện, Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Nicole Wyrsch bày tỏ sự vui mừng khi được tham gia vào dự án lần này và đây sẽ là món quà Đại sứ quán Thụy Sỹ muốn gửi tặng người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo chia sẻ của bà Nicole Wyrsch, Việt Nam và Thụy Sỹ trong năm thập kỷ qua đã có rất nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tác phẩm kịch Chuyện người lính cũng có những sự kết hợp đặc biệt như vậy: ban đầu là việc nhà văn “bắt tay” với nhà soạn nhạc, đến việc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hình ảnh, âm thanh, kịch được kết hợp và biểu diễn trên cùng một sân khấu.
Phó Đại sứ nói: “Chúng tôi rất mong vở kịch sẽ được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận. Dù tác phẩm đã có từ thế kỷ XIX nhưng nó vẫn còn mang tính thời sự, đồng thời đặt ra những câu hỏi rất triết lý như việc chúng ta sẽ chọn lựa giữa hạnh phúc hay sự giàu có”.