Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen. |
Theo đó, các nhà lãnh đạo NATO đã phác thảo kế hoạch can dự dài hạn nhưng không tham chiến ở Afghanistan, để huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh nước này, sau khi sứ mệnh chiến đấu của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy tại Afghanistan kết thúc vào cuối năm nay.
Thông cáo chung sau ngày họp đầu tiên nêu rõ các Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF) đã chỉ huy các hoạt động chiến đấu trên toàn lãnh thổ nước này trong hơn một năm qua. Khi ISAF kết thúc sứ mệnh của mình vào cuối năm 2014 theo đúng kế hoạch, NATO sẽ thay đổi bản chất và phạm vi can dự ở Afghanistan.
Sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết sau năm 2014 là một trong ba trụ cột can dự dài hạn, cùng với những cam kết về tài chính để hỗ trợ khả năng chịu đựng của ANSF và củng cố sự hợp tác chính trị, thực dụng với Afghanistan. Cốt lõi của sứ mệnh này là việc ký Thỏa thuận An ninh Song phương giữa Mỹ và Afghanistan, yếu tố quyết định số binh lính còn lại của NATO đóng ở Afghanistan.
Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Hamid Karzai đã bác bỏ, song 2 ứng cử viên Tổng thống là Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah cam kết sẽ ký thỏa thuận gây tranh cãi này nếu họ đắc cử.
Bên cạnh đó, tờ International Business Times (Anh) dẫn lời Tổng thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu rằng: “Một khi Afghanistan chưa kí kết Thỏa thuận An ninh Song phương, NATO sẽ không thể tiếp tục triển khai sứ mệnh của mình tại đây. Mặc dù các chỉ huy quân đội của chúng tôi đã xử lí tình hình một cách linh hoạt nhưng thời gian hiện nay không còn nhiều. Một khung pháp lý được đưa ra càng sớm sẽ càng tốt”.
Q.C (tổng hợp)