Ngày 16/2, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chính thức khởi động.
Dự án này hướng tới mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Việc khởi động dự án cũng là dịp vấn đề rác thải nhựa được quan tâm đúng mức và có những hành động cụ thể và cấp thiết hơn..
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Lê An) |
Báo động ở các khu du lịch
Chia sẻ tại sự kiện khởi động dự án, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, nhấn mạnh: " Sự phát triển du lịch đặc biệt là sự tăng trưởng của lượng khách du lịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ xả thải lượng lớn tác thải nhựa".
Nghiên cứu của Viện cũng đưa ra nhiều con số đáng báo động, chẳng hạn năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), lượng rác thải nhựa tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm.
Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường, qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tưởng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Theo đó, Vịnh Hạ Long trung bình 4 tấn rác thải/ ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Sầm Sơn trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 24%; Đà Nẵng là 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Phú Quốc là 155 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%...
Cần hiện thực hóa văn bản
Trên thực tế, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Ngoài ra, Quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành tại Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, các quy định pháp luật của Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện.
Các quy định về quản lý chất thải nói chung, tái sử dụng và tái chế nói riêng đã có nhiều đột phá nhưng cần phải sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể ở nghị định, thông tư, quyết định mới có thể triển khai thực tế.
Cùng với đó, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.
Những triển vọng nào đến từ dự án?
Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, dự án này gồm ba hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tạ tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Ông Vũ Thế Bình chia sẻ: “Đối tượng hướng đến của dự án là đối tượng kinh doanh du lịch, hoạt động lịch, họ làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch. Bởi vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành du lịch. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước”.
Ông Bình cũng tin rằng dự án là bước ngoặt trong hoạt động môi trường của ngành du lịch. Trong đó, những tiêu chuẩn, quy chế để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch sẽ được ban hành, tiến tới nhiều địa phương đạt danh hiệu cơ sở du lịch nói không với rác thải nhựa.
Là một trong những địa phương thí điểm dự án giảm thiểu rác thải nhựa, Quảng Nam đã áp dụng thành công với Cù Lao Chàm - hình mẫu đi đầu phong trào điểm du lịch "nói không với túi nilon và ống hút nhựa".
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn cho biết, chương trình ở Cù Lao Chàm ban đầu thực hiện theo hình thức khuyến khích, sau đó chính quyền ban hành chế tài liên quan, từ đó mô hình nhân rộng và áp dụng tại Hội An cũng như nhiều địa phương khác.
Rác thải nhựa lan tràn ở nhiều vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: Baotintuc) |
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện UNDP tại Việt Nam, kỳ vọng vào tiềm năng mở ra những dự án hợp tác mới với cộng đồng doanh nghiệp du lịch, bởi Hiệp hội Du lịch Việt Nam có các thành viên tại 57 tỉnh thành, với khoảng 15.000-16.000 doanh nghiệp hội viên.
Bà chia sẻ: "Với những gì khuyến nghị trong dự án rác thải nhựa này, chúng tôi sẽ chuyển tới các tỉnh và có hệ thống kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa các bài học cụ thể từ quốc tế. Đặc biệt, bài học của Việt Nam qua dự án sẽ giúp chúng tôi hình thành những kinh nghiệm quốc tế, chuyển tải những khuyến nghị quốc tế để đưa vào quá trình đàm phán cho ra đời hiệp định về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương".
Thông việc triển khai dự án nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu mong muốn nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa được nâng cao. Đặc biệt, các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai hiệu quả và phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.