📞

Rạn nứt ở Tây Phi

Nhất Phong 07:15 | 20/12/2024
Hội nghị thượng đỉnh ECOWAS diễn ra trong bối cảnh khu vực chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là sau các cuộc đảo chính đưa chính quyền quân sự lên nắm quyền...
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lần thứ 66 diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria ngày 15/12.

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lần thứ 66 diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria ngày 15/12 dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà, Chủ tịch Hội đồng nguyên thủ quốc gia và chính phủ ECOWAS, ông Bola Ahmed Tinubu.

Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat, Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại Tây Phi và Sahel (UNOWAS) Annadif Khatir Mahamat Saleh cùng lãnh đạo 13 nước khu vực nhưng vắng bóng đại diện của Burkina Faso, Mali và Niger.

Được thành lập vào năm 1975, hiện ECOWAS có 15 thành viên, bao gồm Benin, Burkina Faso, Cabo Verde, Cote d'Ivoire, The Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Niger, Nigeria, Senegal, Sierra Leone và Togo. Kể từ đó, ECOWAS trở thành cơ quan chính trị hàng đầu của khu vực.

Đáng chú ý, Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khu vực giàu tài nguyên chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là sau các cuộc đảo chính đưa chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Mali (18/8/2020 và 24/5/2021), Burkina Faso (24/1 và 30/9/2022) và Niger (26/7/2023). Sau các cuộc binh biến đó, quan hệ giữa ba quốc gia vùng Sahel này với các thành viên trong ECOWAS bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng.

Trước thềm Hội nghị, lãnh đạo Burkina Faso, Mali và Niger tuyên bố không tham dự Hội nghị đồng thời cho biết tiến trình rút khỏi ECOWAS, thành lập Liên minh các quốc gia Sahel (AES) tiếp tục được thực hiện. Ba nước cho rằng họ đã phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt trong khi không được hỗ trợ gì trong giải quyết các thách thức an ninh, đặc biệt khi al-Qaeda và lực lượng Nhà nước Hồi giao (IS) ngày càng mở rộng hoạt động tại khu vực.

Trong khi đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch ECOWAS Bola Ahmed Tinubu khẳng định: “Trong nhiều năm qua, ECOWAS đã đạt được những cột mốc quan trọng trong tăng cường hội nhập khu vực, tạo điều kiện cho sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ quản trị và giải quyết xung đột”.

Ông Bola Tinubu nhấn mạnh rằng, những thách thức toàn cầu và khu vực đang thử thách tinh thần hợp tác của ECOWAS. Quyền tự do đi lại và thị trường chung 400 triệu dân là một trong những lợi ích chính của khối, song những lợi ích này sẽ bị đe dọa nếu Burkina Faso, Mali và Niger rời đi.

Theo văn kiện của ECOWAS, quyết định rút lui của Burkina Faso, Mali và Niger sẽ có hiệu lực sau một năm được công bố, tức là vào tháng 1/2025. Sau đó, quá trình chuyển tiếp sẽ diễn ra trong vòng sáu tháng. Trong thời gian này, ECOWAS vẫn mở cửa cho ba quốc gia tham gia các hoạt động bình thường. Đổi lại, ba nước ly khai cũng ra tuyên bố cho phép công dân của khối tiếp cận lãnh thổ mà không cần thị thực, trừ các đối tượng không được phép nhập cảnh.

Theo Babacar Ndiaye, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu hòa bình Timbuktu ở Senegal, việc ba nước rút khỏi cộng đồng là sự chia rẽ và thách thức nghiêm trọng cho ECOWAS.

Trong khi đó, Mucahid Durmaz, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh cho rằng, việc các chính quyền quân sự duy trì quyền lực có thể “dẫn đến sự phân mảnh khu vực hơn nữa”. Ông nhấn mạnh việc ly khai của ba nước không chỉ cản trở quyền tự do đi lại và định cư của người dân, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực, là đòn giáng mạnh vào hợp tác an ninh, đặc biệt trong chia sẻ thông tin tình báo và cuộc chiến chống khủng bố.