📞

Rào cản ngôn ngữ - Mối lo của Anh hậu Brexit

07:56 | 06/04/2017
Một chính sách ngôn ngữ chiến lược và sự đào tạo bài bản các chuyên gia ngôn ngữ tại Anh hậu Brexit là rất cần thiết nếu "xứ sở sương mù" muốn kết nối với các thị trường mới bên ngoài EU.

Công cụ giao thương

Khi Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, câu hỏi lớn nhất đặt ra với nước này là làm sao để bảo đảm sự phát triển kinh tế. Và một trong những thứ có thể đi vào ngõ cụt hậu Brexit là chính sách ngôn ngữ của Anh với tầm quan trọng như một nguồn lực kinh tế.

Ngoại giao ngôn ngữ từ lâu đã là một nét đặc trưng, đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao quốc tế, thậm chí nó còn ra đời trước cả quá trình toàn cầu hóa. Việc giao thương của các vương quốc từ xưa đến nay đều phụ thuộc vào việc hiểu được ngôn ngữ của nhau. Chính sách ngoại giao ngôn ngữ tưởng chừng hiện đại này đã được phát hiện ở Babylon, một nền văn minh cổ đại ở vùng Cận Đông, nơi có cộng đồng các thương nhân đa văn hóa đến từ Địa Trung Hải, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ…

Theo nhiều tài liệu sử sách, vua Hammurabi đã khai thác một cách khéo léo sự hòa trộn văn hóa như một nguồn lực phát triển cho vương quốc của mình vào những năm 1790 trước Công nguyên. Ông sử dụng những thương nhân nước ngoài có thể nói song ngữ làm người môi giới cho việc giao thương. Bằng khả năng ngôn ngữ, những người môi giới này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại của Babylon với các thị trường xa xôi.

Khi Anh chuẩn bị rời khỏi EU, câu hỏi lớn nhất đặt ra với nước này là làm sao bảo đảm sự phát triển kinh tế. (Nguồn: AP)

Câu chuyện từ thời cổ đại này cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Anh hiện nay là thiếu kỹ năng ngôn ngữ. Mặc dù các quỹ tài chính Anh đã cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật cho các doanh nghiệp Anh, nhưng họ dường như quên mất rằng các chuyên gia cũng phải có kỹ năng ngôn ngữ để đạt được doanh số bán hàng tại các thị trường mới. Các chuyên gia này sẽ cần phải nói ngôn ngữ và hiểu các nền văn hoá đa dạng của của các đối tác thương mại mới để đàm phán và ký kết thỏa thuận. Do đó, việc đầu tư vào kỹ năng mềm này là vô cùng cấp thiết. 

Thống kê của Chính phủ Anh cho thấy mỗi năm nước này mất khoảng 3,5% GDP do lực lượng lao động thiếu kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức về văn hoá. Những tổn thất như vậy dường như là "căn bệnh mãn tính" trong kinh doanh của Anh. Hơn một thập kỷ trước, Phòng Thương mại Anh đã phát hiện ra rằng rào cản về ngôn ngữ và văn hoá đã gây ra mất liên lạc, doanh thu và lợi nhuận tại các thị trường mới. Việc thiếu kỹ năng ngôn ngữ trong lực lượng lao động cho thấy nước Anh đã quá phụ thuộc vào thị trường Anglophone (cộng đồng nói tiếng Anh).

Nếu không đầu tư vào các kỹ năng ngôn ngữ, quan hệ thương mại và hiệu quả xuất khẩu sẽ tổn hại nhiều hơn, đặc biệt là sau Brexit. Nhiều người Anh thú nhận họ không giỏi nói tiếng nước ngoài và giờ là lúc "xứ sở sương mù" cần thiết lập hệ thống các chuyên gia đa ngôn ngữ để tạo mối liên hệ với các thị trường mới bên ngoài EU.

Cần đầu tư chiến lược dài hạn

Một số chuyên gia cho rằng, để định hình lại một cách tiếp cận kinh tế mới, nước Anh có thể sẽ tập trung vào khối Commonwealth (Thịnh vượng chung Anh - một tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia thành viên hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh) - nơi mà ngôn ngữ nói chủ yếu là tiếng Anh. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi trọng điểm của nền kinh tế toàn cầu không chỉ nằm trong Commonwealth mà còn có cả Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Việt Nam... Bên cạnh đó, Anh cũng cần duy trì các đối tác thương mại quan trọng trong EU.

Trong việc tìm kiếm thị trường mới ở những nơi khác nhau trên thế giới, việc tăng cường kỹ năng đa ngôn ngữ phải là một ưu tiên. Nước Anh rất may mắn vì đang nắm trong tay một xã hội có tính quốc tế cao, với những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Trong quãng thời gian đầu hậu Brexit, đây sẽ là một lợi thế lớn, nhưng đầu tư dài hạn vẫn là điều cần thiết.

Nước Anh phải tận dụng sự đa văn hóa trong xã hội hiện tại. (Nguồn: Shutterstock.com)

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư UBS Richard Hardie nhận định rằng: "Kiến thức sâu rộng về ngoại ngữ thường là điều mà nhiều công ty yêu cầu trong các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, các nhà thương thuyết tài giỏi thực sự là những người có thể tạo ra những cách diễn đạt tinh tế để thuyết phục một người nào đó từ một nền văn hoá khác làm điều mà họ không muốn làm".

Giờ đây, nước Anh sắp bắt tay vào một loạt các cuộc đàm phán thương mại với các nước ngoài EU hậu Brexit, và cơ hội đàm phán của Anh sẽ nằm trong tay các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài.

Nhưng thông thạo đa ngôn ngữ mới chỉ là một phần, thành công của các cuộc đàm phán còn phụ thuộc vào hiểu biết về văn hoá đối phương. Giám đốc điều hành tại Pháp của Công ty kiểm toán quốc tế KPMG, bà Isabelle Allen cho biết: "Tôi đã gặp rất nhiều người không thể đọc và hiểu hết được những từ đồng nghĩa mà người nói chuyển tải do không hiểu bối cảnh văn hóa". Điều này là do ngôn ngữ có nhiều sắc thái, đòi hỏi người đọc/nghe phải hiểu về văn hoá nước này. Ví dụ, người phương Tây cần hiểu rằng người Trung Quốc thay vì nói "Không" thì họ sẽ nói “Để xem đã”. Rõ ràng, sự nhạy cảm về văn hoá là một lợi thế không nhỏ trên bàn đàm phán. Điều này có nghĩa là những người nói tiếng Anh bản xứ không thể chỉ đơn giản tận dụng lợi thế của họ với phần còn lại của thế giới muốn học ngôn ngữ của họ. Việc thụ động như vậy có thể tạo cơ hội cho đối phương đặt ra những cái bẫy, cách chơi chữ trong thỏa thuận kinh doanh.

Brexit là một lời cảnh báo cho chính sách ngôn ngữ chiến lược ở Anh và đồng thời cũng là cơ hội để huy động nguồn tài nguyên đa ngôn ngữ phong phú mà Anh đang nắm giữ. Chính phủ Anh cần phải có sự đầu tư chiến lược dài hạn về giáo dục ngôn ngữ ở tất cả các cấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh cần hiểu rằng họ sẽ được hưởng lợi từ kinh phí đào tạo kỹ năng ngôn ngữ và đây sẽ là phương tiện để tạo ra doanh thu cho họ.

(theo Quartz)