Khách hàng xem các sản phẩm bày bán tại Hội chợ. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+) |
Đây là một hoạt động thường niên của Hội nhằm thu hút bà con Việt kiều cũng như nhiều người Pháp đến mua sắm nhân dịp Năm mới trong một không gian ấm cúng giống như ở quê hương đồng thời cũng là dịp để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tại Pháp.
Hội chợ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, từ các sản phẩm thêu, ren, may mặc, cho đến hàng sơn mài, mây tre, gốm, sứ… mang đậm nét văn hóa Việt Nam.
Bác Cấn Văn Kiệt, ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết: "Từ nhiều năm nay, vợ chồng tôi đứng ra đảm nhiệm cho Hội trong việc tìm các sản phẩm trong nước có chất lượng cao để giới thiệu tại các hội chợ do Hội đăng cai, hoặc các hội chợ do Pháp tổ chức. Chúng tôi đi từ Nam chí Bắc, tìm kiếm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa văn hóa của các vùng miền để giới thiệu với bà con ta và bạn bè Pháp."
Trên thực tế, các sản phẩm bát, đĩa, liễn màu lam của gốm sứ Bát Tràng, các pho tượng Phật di lặc bằng đá khối được chạm khắc tại Đà Nẵng, khăn trải bàn thêu, ren của Thái Bình, tranh sơn mài làm từ chất liệu vỏ trứng, vỏ ốc đến từ Thành phố Hồ Chí Minh…, là những sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng.
Theo bác Kiệt, trước đây, khách hàng chủ yếu là bà con Việt Kiều. Nhưng từ vài năm này, do điều kiện đi về giữa Việt Nam và Pháp khá dễ dàng, thuận tiện nên bà con Việt kiều về nước thường xuyên hơn và mua sắm trong nước cũng khá nhiều. Giờ đây, khách hàng của Hội chợ chủ yếu là người Pháp, hoặc những người Pháp gốc Việt đã lâu chưa có dịp về quê hương.
Ông Nicolas Feurer, một khách hàng người Pháp, rất vui khi chọn được một chiếc khăn quàng cổ bằng len màu xanh mà ông nói là sẽ tặng một đồng nghiệp nhân dịp Noel.
Còn chị Sylvie Chauvanet, một người Pháp đang học tiếng Việt tại các khóa học do Hội tổ chức, thì nhận xét các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở đây rất đẹp. Và điều làm chị thích nhất vẫn là sách báo và các ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
"Các ấn phẩm đó giúp tôi nâng cao trình độ tiếng Việt và mở rộng hiểu biết về quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp," chị nói.
Tuy nhiên, theo bác Kiệt, để Hội chợ thực sự là cầu nối giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nước với bà con Việt Kiều và bạn bè Pháp, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn nữa, đặc biệt là cần có các ý tưởng táo bạo từ các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Pháp, những người mà tương lai sẽ kế tiếp thế hệ đi trước, góp phần vào các hoạt động hướng về quê hương./.
Theo Bích Hà/Paris (Vietnam+)