Tục chăng dây bằng vải đỏ khi nhà trai đến xin dâu. |
Từ thành Phố Cao Bằng vào huyện Thông Nông chừng 50km, đường đi uốn lượn trên những triền núi. Huyện lỵ nằm gọn trong thung lũng bốn bề núi đá bao bọc, để vào được huyện, xe phải vượt qua đèo Mã Quỷnh hiểm trở không kém gì đèo Mã Phục khi đi các huyện phía đông Cao Bằng.
Phong tục cổ truyền
Đã lâu tôi mới lại được dự đám cưới ở miền núi đông vui như thế này. Vì vậy, trong bữa rượu, tôi mang chuyện phong tục cưới hỏi ra trò chuyện với ông Hoàng Văn Mịch 67 tuổi, đại diện họ nhà trai và được ông kể lại cho nghe rất sinh động, chi tiết.
Từ xa xưa, nam nữ thanh niên Tày – Nùng được tự do tìm hiểu, thổ lộ tình cảm với nhau nhưng hôn nhân do cha mẹ sắp đặt vẫn là hình thức hôn nhân chủ đạo. Ngày nay, quan niệm về hôn nhân đã tiến bộ hơn, những hủ tục khắt khe, lạc hậu đã được loại bỏ nhưng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương...
Việc kết hôn của đồng bào diễn ra không quá phức tạp. Bước đầu tiên là Sam minh (hỏi xem lộc mệnh của người con gái). Nhà trai cho người đến nhà gái hỏi lấy giờ, ngày, tháng, năm sinh của người con gái. Nếu nhà gái đồng ý thì sẽ viết giờ, ngày, tháng, năm sinh vào một tờ giấy hồng hoặc đỏ để đưa cho nhà trai để nhà trai đi xem duyên của đôi trai gái có họp nhau không. Nếu thấy hai bên hợp nhau, cô con gái có đủ điều kiện để về làm dâu nhà mình thì nhà trai sẽ tiến hành Pao minh (Lễ dạm hỏi) vợ cho con. Lễ vật mang sang nhà gái ngày dạm hỏi thường là một con gà trống thiến, 1kg thịt lợn và hai chai rượu nếp nương.
Hai bên gia đình bàn bạc thấy thuận lợi mới tiến hành làm lễ Kin háp (Ăn hỏi ). Lễ vật ăn hỏi thường là một mâm xôi, gà trống thiến, hai chai rượu, một con lợn quay khoảng 20 kg, vài chục cặp bánh giầy… Cũng trong lễ ăn hỏi hai bên bàn bạc và quyết định số lượng lễ vật cưới (hay còn được gọi là tục thách cưới) với các khoản theo truyền thống như: Tiền dẫn cưới, một con lợn trên 100 kg; 150 đến 300 đôi bánh giầy; 120 – 150 chiếc bánh tét, 10 – 15 con gà trống thiến; một gánh xôi, bên trong có một ít đường phên và trầu cau. Hôm làm lễ ăn hỏi, cả chàng rể và cô dâu tương lai thường tránh mặt đi nơi khác để hai bên gia đình bàn bạc cho hôn lễ của họ.
Giữ gìn bản sắc
Lễ cưới của người Tày ở Cao Bằng thường được tổ chức từ tháng 7 đến hết tháng 2 âm lịch năm sau. Việc mời khách được tiến hành trước đám cưới khoảng từ 7 – 9 ngày, với người thân thích là bề trên của dòng tộc thì gia chủ phải đến tận nhà mời. Quà mừng cho đám cưới thường là gạo, rượu, một con gà và tiền mặt…
Theo tục lệ, trước lễ cưới một vài hôm, nhà trai phải mang đầy đủ sính lễ như đã thỏa thuận ở lễ ăn hỏi sang cho nhà gái mới được tổ chức cưới. Ngoài ra, nhà trai nhất thiết phải có một số vải dệt tay tặng mẹ vợ, gọi là Rằm Khấu (vải chưa nhuộm) để trả công nuôi dưỡng. Nhận vải Rằm khấu người mẹ đem nhuộm để khi nào con gái sinh con thì khâu cho cháu ngoại một cái địu và một cái tã.
Lễ cưới được tổ chức song song ở cả hai bên và được tiến hành trong hai ngày. Đúng ngày giờ đã định, chú rể bắt đầu ra cửa đón dâu. Lễ vật mang sang đón bao gồm: Xôi, gà, rượu, vải rằm khấu, tiền lì sì cho các anh chị em của cô dâu chưa thành gia thất…
Dẫn đầu đoàn chú rể là ông Quan lang – Một người đàn ông đã có gia đình, ăn nói thành thạo, giỏi thơ ca, tài ứng đáp. Đoàn đưa dâu sang nhà trai cũng có một người đứng đầu gọi là Mẻ rông (Bà đưa dâu), có trách nhiệm giao tiếp với nhà trai và hướng dẫn cô dâu làm những nghi lễ cần thiết.
Theo phong tục tập quán, những nghi lễ trong lễ cưới diễn ra ở nhà trai và nhà gái theo trình tự như sau: Đón chào dâu rể mới; rửa chân (Rào kha); mời vào nhà (khảu tu); trải giường chiếu; an tọa; mời nước, mời thuốc lá, trầu; báo tổ; trình gánh (trình sính lễ); dâng vải Rằm Khấu (đáp ơn dưỡng dục); lễ bàn thờ (bái lạy tổ tiên); lễ nhận rể mới; xin đón dâu; lễ trình diện, nhận con dâu; lễ nộp con dâu; mừng rương hòm, chăn màn; mừng phù dâu, phù rể; mời ăn uống; hẹn hò. Trong lễ xin đón dâu ở nhà gái, những người đứng đầu đoàn nhà trai sẽ hát để xin dâu và người đứng đầu đoàn nhà gái hát đối đáp lại với ngụ ý khiêm tốn rằng: Cô dâu chưa được cha mẹ, chú bác họ hàng dạy dỗ tử tế, khi sang bến đó làm dâu mong được nhà trai chỉ bảo thêm để làm tốt bổn phận dâu thảo, vợ hiền…
Có thể nói cưới, hỏi là một phong tục truyền thống của dân tộc, là tổng hòa các hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian. Trong lễ cưới chứa đựng các giá trị về vật chất cũng như tinh thần của mỗi dân tộc, từ những nét văn hóa ẩm thực, các nghi lễ trong đám cưới đến trang phục truyền thống và các điệu hát quan lang... Hôn nhân của dân tộc Tày không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đám cưới ngoài những lời hát chúc mừng cô dâu và chú rể, các nam thanh nữ tú lại có cơ hội hát giao duyên với nhau, tìm hiểu nhau, tình tứ với nhau qua những bài sli, lượn, phong slư… đằm thắm, mượt mà. Sau đó nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng. Tại lễ cưới, tôi đã tranh thủ ghi lại một số làn điệu Sli, lượn như sau:
Em ới... hơi ới... trên trời có đám mây vàng
Sao em đi vội, đi vàng làm chi!
Em ới! Trên trời có đám mây hồng
Cho anh xin hỏi, có chồng hay chưa?
Hay trước khi chia tay họ hẹn hò nhắn nhủ nhau:
Em nhủ anh xin ghi dạ, tạc lòng
Lời vàng ngọc mang theo suốt thời gian
Em ra về giữ gìn sức khỏe...
Loan nhắn phượng, phượng lại nhắn loan
Lời thương mến chẳng màng chân bước
Hỡi anh ơi, hãy nhớ lời tha thiết
Anh ra về, em nhớ mãi hình anh…
Nông Thị Thoa