📞

Sách lược đối phó của Trung Quốc với “vết thương mới” có tên Huawei

12:54 | 15/12/2018
Đúng vào thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung, sự kiện CFO của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei - Mạnh Vãn Chu bị bắt, khiến Bắc Kinh buộc phải đưa ra những sách lược đối phó mới.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có dấu hiệu “ngừng bắn” sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, sự kiện Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính (CFO), kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei bị bắt ở Canada được dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm đặc biệt.

Vết thương mới trong quan hệ Mỹ - Trung

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu sử dụng các công ty đăng ký ở Hong Kong để "vượt rào" các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Iran.

Vụ Huawei đã gây ra một làn sóng sôi động trong dư luận Trung Quốc và nó cũng tạo ra vết thương mới trong quan hệ Trung - Mỹ. (theo AP)

Nếu bị dẫn độ về Mỹ và bị kết án, bà Mạnh Vãn Chu sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa là 30 năm tù. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng sôi động trong dư luận Trung Quốc và nó cũng tạo ra vết thương mới trong quan hệ Trung - Mỹ. 

Dư luận xã hội Trung Quốc phổ biến cho rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu lần này không chỉ là vấn đề tư pháp, mà còn là “thủ đoạn” để Mỹ và Canada hợp sức, nhằm gây sức ép đối với khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong vòng 90 ngày để giải quyết cuộc chiến thương mại. Tuy  nhiên, vào thời điểm quan trọng này, sự kiện CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt, khiến Bắc Kinh phải đưa ra những sách lược đối phó mới: 

Một là, gây sức ép mạnh mẽ đối với Canada để yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu. Trước tiên, Trung Quốc lấy Canada làm mục tiêu, gây sức ép mạnh mẽ đối với Canada nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu. Để làm được điều này, Trung Quốc có thể sử dụng nhiều biện pháp và thủ đoạn, bao gồm việc ngừng các cuộc trao đổi cấp cao song phương và thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Canada. 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. Nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Canada, nền kinh tế của Canada chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, thông qua việc ngừng các cuộc trao đổi cấp cao song phương, sẽ làm suy yếu nghiêm trọng cục diện và trao đổi trong tương lai của các doanh nghiệp Canada tại Trung Quốc.

Hai là, đồng thời gây sức ép đối với cả Canada và Mỹ. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã lần lượt triệu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và đại sứ Canada tại Trung Quốc để trao công hàm phản đối mạnh mẽ về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Ông Lạc Ngọc Thành cho biết, phía Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Canada ngay lập tức thả những người bị giam giữ và cảnh báo rằng, nếu Canada không thực hiện sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng và phía Canada phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc này.

Ba là, kéo dài thời gian. Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng Canada có thể thả bà Mạnh Vãn Chu. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan, khả năng này không lớn. Do đó, với Chính phủ Trung Quốc, vụ Mạnh Vãn Chu có thể kéo dài ở Canada trong một thời gian, đây sẽ là một mục tiêu thực tế hơn. So với trường hợp bà Mạnh Vãn Chu bị dẫn độ về Mỹ để xét xử, việc trì hoãn thời gian dẫn độ lâu nhất có thể sẽ là kết quả tốt nhất. Nếu ngành tư pháp Canada cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh vì lý do nhân đạo, thì đây càng là kết quả tốt hơn cho Trung Quốc.

Một kết quả tích cực?

Tại phiên tòa thứ hai diễn ra ngày 10/12, luật sư của bà Mạnh Vãn Chu đã yêu cầu cho phép bà được phép tại ngoại và hoạt động trong phạm vi hạn chế; trong khi đó, phía Công tố đã yêu cầu quản thúc tại gia đối với bà Mạnh Vãn Chu và hai bên cũng bất đồng về tư cách bảo lãnh của chồng bà Mạnh Vãn Chu.

Tuy nhiên, ngày 11/12, Tòa đã cho phép bảo lãnh bà Mạnh Vãn Chu với số tiền 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) trong khi xem xét đề nghị dẫn độ bà sang Mỹ. Thẩm phán cũng nói rằng chính phủ Mỹ đến nay vẫn chưa chính thức đề xuất dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu.

Về lý thuyết, nếu trong vòng 60 ngày, Mỹ không yêu cầu dẫn độ, những người bị giam giữ sẽ được trả tự do. Điều này có nghĩa không thể loại trừ khả năng bà Mạnh Vãn Chu sẽ được trả tự do ngay khi thời hạn trên kết thúc. Dư luận Trung Quốc cho rằng kết quả này là rất tích cực.

Xe cảnh sát trước ngôi nhà của vợ chồng bà Mạnh Vãn Chu tại Vancouver, Canada. (Nguồn: GlobalNews)

Tuy nhiên, giữa Mỹ và Canada đã ký hiệp định tương trợ tư pháp. Vì vậy, Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, nếu bà Mạnh Vãn Chu không bị dẫn độ mà được thả ra, hành động bắt giữ ban đầu sẽ bị coi là trò đùa cợt.

Washington vẫn đang yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu về Mỹ để xét xử về cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và EU áp đặt lên Iran. Mức án tối đa cho mỗi tội danh có thể lên đến 30 năm tù. Quá trình xem xét đề nghị dẫn độ có thể kéo dài đến 1 năm.

Trong khi đó, sau khi Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại, Tổng thống Mỹ Trump lần đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm về vụ việc, tuyên bố có thể can thiệp vào hành động của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ Mạnh Vãn Chu nếu việc này có thể phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết Nhà Trắng đã liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ và các quan chức Trung Quốc, nhưng ông vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ việc.