📞

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị phạt đến 100 triệu Đồng

17:24 | 10/06/2016
Theo Nghị định số 178 và Nghị định số 185 của Chính phủ, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể lên đến 100 triệu Đồng.
Không dễ tìm nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình. Ảnh: Rausachviet

Tại cuộc tọa đàm do Báo Pháp luật & Đời sống tổ chức ngày 9/6, GS. TS Trần Khắc Thi - Chuyên gia rau quả (Viện Rau Quả Hà Nội) cho biết, phần lớn cây rau chứa hàm lượng nước cao (trên 90%) nên những hóa chất có trong đất, nước tưới và con người đưa vào cây đều được hấp thụ. Việc bón phân và phun thuốc sâu quá liều, sát ngày thu hoạch sẽ tăng lượng tích lũy các độc tố trong rau, nhất là các loại rau vừa chăm sóc, vừa thu hoạch như dưa chuột, cà chua, đậu leo, mướp…

Về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Nông Lâm sản - Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho rằng sẽ không bị xem là độc hại nếu việc này nằm trong danh mục và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, khi đó sản phẩm vẫn đảm bảo an toàn. Chỉ khi người sản xuất lạm dụng, dùng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc trôi nổi không nằm trong danh mục cho phép, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, vì lợi ích mà thu hoạch sớm thì sản phẩm đó sẽ không an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, trách nhiệm đầu tiên về mặt quản lý, thanh tra, giám sát là thuộc về các cơ quan địa phương. Bộ chỉ ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn đôn đốc chứ không thể quản lý tực tiếp hết được. Để khẳng định được sản phẩm thì phải đưa đi xét nghiệm, kiểm định và cần thời gian, cần đưa ra những thông tin, kết luận chính xác.

Cũng theo ông Thuận, để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với rau củ quả, người sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ quy định và tự kiểm soát chặt chẽ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ quy định của người sản xuất, cảnh báo, thu hồi và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Liên quan đến vấn đề xử phạt những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý - Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết: Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay, các hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn được xử lý bằng hai hình thức là xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự.

Việc xử lý hành chính đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hiện nay đang áp dụng Nghị định số 178 và Nghị định số 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong hai nghị định này có thể lên đến 100 triệu Đồng.

Về xử lý bằng luật hình sự: Thực tế trong xử lý các vi phạm thường chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, khó có thể xử lý hình sự. Trong Bộ luật hình sự hiện hành (1999) có một điều luật điều chỉnh trực tiếp đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh là Điều 244 Bộ luật Hình sự, nhưng chỉ khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh..., mà bị chết hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự.

Về các biện pháp quản lý việc sản xuất kinh doanh rau sạch, Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý - Đoàn luật sư Hà Nội nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động bà con thực hiện việc sản xuất kinh doanh tiêu tiêu chuẩn sạch; Khuyến khích lập ra các vùng sản xuất, nuôi trồng thực phẩm sạch; Niêm yết công khai các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm; Mở các phiên tòa xử lưu động tại đối với các tội danh liên quan đến vệ sinh an tòa thực phẩm để tuyên truyền và ngăn ngừa các hành vi vi phạm tương tự. Đối với siêu thị phải kiểm soát được chặt chẽ nguồn gốc xuất sứ của rau trong siêu thị và phải xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của rau cũng như các sản phẩm thực phẩm khác khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.