TIN LIÊN QUAN | |
ADMM+: Ấn Độ đề cập vấn đề quân sự hóa Biển Đông | |
ADMM Retreat: Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng |
Trong gần một thập kỷ, ADMM+ đạt được nhiều thành tựu hơn trong vấn đề hợp tác khu vực. (Nguồn: ASEAN.org) |
ADMM+ sẽ tròn 10 tuổi vào năm tới. Hội nghị này được khai mạc lần đầu tiên vào ngày 2/10/2010 tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Trong gần một thập kỷ, có thể cho rằng ADMM+ đã đạt được nhiều thành tựu hơn trong vấn đề hợp tác khu vực so với các diễn đàn đa phương lâu đời và có uy tín hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ADMM+ bước sang tuổi thứ 10 trong bối cảnh khu vực đứng trước nguy cơ bị mất ổn định do quan hệ căng thẳng giữa các cường quốc. Mối quan hệ thù địch địa chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ gây sức ép đối với các nước ASEAN, buộc họ phải chọn đứng về phía cường quốc này hay cường quốc kia, mà còn tái định hình chủ nghĩa đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua việc cả hai siêu cường đều đưa ra các tầm nhìn khu vực và các thể chế kiến trúc mới cạnh tranh với nhau, một bên là tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) do Mỹ đi đầu với cái gọi là "Bộ Tứ" gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, còn bên kia là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
"Chiến trường" hay "điểm đến"?
Đôi khi, mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa biến các cơ chế đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) thành các "chiến trường", nơi hai cường quốc này châm chọc lẫn nhau, dùng mánh khéo để gây ảnh hưởng, và khiến cho hợp tác khu vực gần như là điều không thể.
Điều này đã xảy ra tại ARF 2010 tại Hà Nội, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton đã đối đầu với nhau về vấn đề Biển Đông. Phía Trung Quốc coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của mình, còn phía Mỹ cho rằng có "lợi ích quốc gia" tại khu vực này.
Tại ARF 2014 diễn ra ở Naypyidaw, đến lượt Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tranh cãi về việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Gần đây hơn, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2018 tại Port Moresby, xung đột giữa hai siêu cường này đã trực tiếp khiến Hội nghị thất bại khi lần đầu tiên trong lịch sử không thể đưa ra một tuyên bố chung.
Quan hệ đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc biến các cơ chế mà ASEAN làm trung tâm trở nên quan trọng hơn. (Nguồn: CGTN) |
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không thể khiến các cơ chế mà ASEAN làm trung tâm trở nên ít quan trọng. Ngược lại, chúng lại càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh như hiện nay, bởi vì các tổ chức do ASEAN làm cơ sở vẫn là những diễn đàn khu vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên và thường xuyên tham gia.
Bất chấp những tuyên bố của hai phía rằng cả FOIP và BRI đều được thiết kế rộng mở và chào đón tất cả mọi người, song thực tế là quan hệ đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc đã biến FOIP và BRI thành những sáng kiến mà bên kia không thể tham gia: Trung Quốc không phải là một phần của FOIP hay là thành viên của Bộ Tứ, và Mỹ cũng chẳng dính líu gì tới BRI.
Trong khi hai nước có những tầm nhìn và kiến trúc khu vực đối lập nhau như vậy, các cơ chế dựa vào ASEAN là những diễn đàn đa phương duy nhất quy tụ cả hai siêu cường này.
Một "diễn đàn" thực sự
Vai trò của ASEAN trong mối quan hệ Mỹ-Trung không đâu thể hiện rõ bằng cương vị chủ trì tại ADMM+. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên của ADMM+, vốn bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 quốc gia khu vực khác (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Hàn Quốc).
Chỉ trong vòng một thập kỷ, ADMM+ đã tạo được danh tiếng vì đã đề cập những vấn đề mà các cơ chế khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương không dám nhắc tới.
Không phải chỉ là "diễn đàn thảo luận", ADMM+ đã trở thành một "diễn đàn" thực sự cho hợp tác an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống chủ nghĩa khủng bố và nhiều vấn đề khác, liên quan tới các lực lượng vũ trang của tất cả các nước thành viên.
Thực tế Trung Quốc và Mỹ đều mong muốn thực hiện các cuộc tập trận hàng hải với ASEAN - Trung Quốc năm 2018 và Mỹ năm 2019 - đã cho thấy hai siêu cường này đều coi trọng mối quan hệ riêng của họ với ASEAN.
Tàu hải quân Mỹ và các nước ASEAN tham gia tập trận chung Mỹ - ASEAN lần đầu tiên, tháng 9/2019. (Nguồn: Twitter) |
Tư tưởng thời đại hiện nay về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bản xứ và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy không có lợi cho chủ nghĩa đa phương trên toàn thế giới. Theo các cách riêng của họ, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang làm tổn hại tới chủ nghĩa đa phương của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ai cũng biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chán ghét và bác bỏ các thể chế đa phương, trong khi đó chiến tranh thương mại mà ông phát động chống lại Trung Quốc (và nhiều nước khác) đang làm xói mòn chủ nghĩa đa phương thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói những điều đúng đắn khi ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu và tự do kinh tế, nhưng những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đang đe dọa gây chia rẽ ASEAN.
Chủ thể quan trọng của khu vực
Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc lớn là điều bình thường, nhưng không mấy dễ chịu, trong đời sống quốc tế. Điều khiến quan hệ đối địch Mỹ - Trung gây lo ngại đó là hai nước này có xu hướng chỉ trích và hành động chống lại nhau, đưa ra các ý tưởng và các cấu trúc khu vực loại trừ lẫn nhau. Nếu không có cơ hội đối thoại thực sự, thì những hiểu lầm, bất đồng và căng thẳng chắc chắn sẽ leo thang.
Vì tất cả những thiếu sót đó, các diễn đàn mà ASEAN làm trung tâm đã giúp Mỹ và Trung Quốc có nơi để gặp gỡ và tạo ra cơ hội cho đối thoại song phương. Hơn nữa, tính đa phương của các diễn đàn mà ASEAN làm cơ sở cũng tạo cơ hội để Mỹ và Trung Quốc lắng nghe các quan điểm và lo ngại của các nước khác trong khu vực, những quốc gia đang sống trong cảnh bị chia rẽ vì quan hệ đối địch kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Là diễn đàn hàng đầu của khu vực mà qua đó các cường quốc của thế giới và các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể hợp tác tổ chức các cuộc tập trận quân sự và có khả năng là cả các chiến dịch chung đóng góp cho sự thịnh vượng của khu vực, ADMM+ có thể trở thành một chủ thể quan trọng của khu vực.
| ADMM+ không ra tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông Một quan chức Mỹ tiết lộ, trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 4/11, Bộ trưởng ... |
| Hội nghị lần thứ hai Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa (EWG – HADR) Ngày 8/8, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ hai Nhóm chuyên gia ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng) ... |
| ADMM+: Tạo dựng lòng tin Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên được tổ chức thành công tại Việt Nam ngày 12/10 ... |
| ADMM+ bước phát triển mới của ASEAN Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên được tổ chức là sự kiện quan trọng trong năm Việt Nam ... |