📞

Sao cứ phải bất chấp tìm đường ra đi?

Lý Yến 08:00 | 29/10/2019
TGVN. Nhiều người đã hỏi câu đó khi thông tin gây sốc về 39 người di cư chết cóng trong xe đông lạnh ở Essex trên hành trình di cư bất hợp pháp vào nước Anh. Nhưng không có câu trả lời nào là thỏa đáng bởi mỗi người có một suy nghĩ riêng khi quyết định việc bỏ xứ ra đi của họ.  
Vẫn còn đó... nỗi ám ảnh từ cái chết của một em bé bị chết đuối ở ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng với đoàn gồm 23 người tị nạn Syria cố vượt biển để đến đảo Kos của Hy Lạp. (Nguồn: Reuters)

Buồn, thương, nuối tiếc… Đó là cảm giác có thật của hầu hết những ai khi nghe thấy thông tin này. Tràn ngập trên báo chí quốc tế là những thông tin chung chung và chưa có gì chắc chắn về nguồn gốc quốc tịch của các nạn nhân, kể cả những thông tin chụp màn hình được cho là của một cô gái gửi về cho mẹ trước khi trút hơi thở vì kiệt sức.

Nhưng… linh cảm của những gia đình ở Yên Thành, Nghệ An, có thân nhân đang tìm kiếm một chốn thiên đường ảo thì cho thấy, có thể con cái họ đã ra đi trên chính chiếc xe định mệnh ấy.

Đã từng gặp trên hành trình viễn xứ nhiều người Việt Nam ra đi vì nhiều lý do, ai cũng chung một câu chép miệng: “Đi thì có tiền hơn một chút, mà khổ cực trăm bề”.

Tôi nhớ người phụ nữ nhỏ bé rơm rớm nước mắt ngơ ngác ở sân bay Bangkok tìm lối vào khu vực chờ bay tới Qatar cách đây dăm năm để làm giúp việc. Chị được đưa đi theo đường hợp pháp, nhưng vốn ngoại ngữ quá ít ỏi, chị luôn thường trực cầm một mảnh giấy trên tay. Trong đó ghi thông tin và những câu hỏi đơn giản nhất.

Nỗi lo lắng hiện lên trên từng nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà hơn 40 tuổi cả đời chưa một lần bước chân ra thành phố lớn, giờ đi “xuất ngoại”.

Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện rằng chị đã phải dứt tay cô con gái 10 tuổi để bước vào khu vực kiểm tra an ninh xuất cảnh, không dám nhìn lại phía sau nơi tiếng khóc của con gái cứ xa dần…

Đừng hỏi “sao cứ phải tìm đường ra đi?” bất chấp mọi rủi ro và cạm bẫy. Di cư là cuộc ra đi hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn cái đang hiện có. Đó là câu chuyện của loài người hàng ngàn năm nay. Khi bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, di cư trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Các dòng người di cư thường từ các nước có nền kinh tế kém phát triển sang các nước có nền kinh tế phát triển hơn.

Hy vọng vào những chuyến đi may rủi 50/50 về một sự đổi đời, chủ yếu là về điều kiện kinh tế, thôi thúc họ đánh đổi, hoặc ăn cả, hoặc là chết. Đấy là cái giá của sự lựa chọn.

Hãy hỏi, làm gì để những người dân không còn ra đi nữa. Nâng cao đời sống và tăng trưởng kinh tế thôi tất nhiên là vô cùng thiết yếu, nhưng chưa đủ.

Ảo vọng về cuộc sống giàu có và thu nhập đổi đời với những hình ảnh đầy quyến rũ từ truyền thông, phim ảnh và những lời truyền miệng trong cộng đồng, kể cả kẻ môi giới, đã dẫn lối cho những cá nhân quyết định chọn di cư bất hợp pháp, dù trong số họ có người biết rõ là rủi ro.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, khi có dịp đến làm việc tại một trường cấp 3 ở tỉnh Phú Thọ, tôi hỏi các em học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì. Hầu hết nam sinh đều nói em sẽ đi xuất khẩu lao động!

Tôi hỏi đi thì được gì hơn lao động ở trong nước. Các em nói không rõ, chỉ nghe những người đi trước nói là có tiền về giúp bố mẹ.

Xuất khẩu lao động mang theo giấc mộng đổi đời của không ít bạn trẻ. (Nguồn: Internet)

Vậy đấy, nghe những người đi trước nói là tất cả những gì các em biết về công việc nơi xứ người. Mặt trái của các quốc gia phát triển với tội phạm, khủng bố, tình trạng lao động như nô lệ của những người nhập cư, nô lệ tình dục, nghiện hút… là những thứ mà người dân nơi làng quê nghèo có thể chẳng bao giờ hình dung đến, hoặc có chăng thì cũng vẫn tặc lưỡi và chấp nhận đánh cược vào sự may rủi...

Mà người Việt vốn sẵn có một tâm lý cố hữu, cứ xuất ngoại là phải giàu có hơn, cho đến nay vẫn không hề thay đổi. Để thay đổi một lối suy nghĩ, cần một quyết tâm chính trị cao hơn, từ chính sách cho đến những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện.