Đại sứ Anh Kim Darroch (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP) |
Tờ The Economist nhận định, việc Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Jeremy Hunt và người tiền nhiệm Boris Johnson đang tập trung vào cuộc đua để trở thành Thủ tướng đã khiến Bộ Ngoại giao Anh phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi Bộ Ngoại giao nước này giờ phải vào cuộc truy tìm ai chịu trách nhiệm cho vụ rò rỉ đáng hổ thẹn các bức điện của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch.
Ngay đúng lúc phải chuẩn bị cho “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit, Bộ Ngoại giao Anh lại đang phải “chữa cháy” ở cả trong nước và trong mối quan hệ với các quốc gia mà nước Anh cần quan tâm nhất.
Tai nạn bất ngờ
Giới quan sát cho rằng, thực tế các bức điện của ông Kim Darroch đánh giá về con người và những chính sách của Tổng thống Donald Trump từ năm 2017 đến nay, vừa bị rò rỉ trên tờ The Mail đã tiết lộ một số điều đôi khi vẫn được nói trên báo chí. Tuy nhiên, việc các nhận xét này được phát ra từ một nhà ngoại giao hàng đầu của Anh khiến cho sự việc trở nên đáng quan tâm.
Ông Kim Darroch mô tả chính quyền của Tổng thống Trump là “không bình thường”, “vụng về và vớ vẩn về ngoại giao” và không hy vọng rằng điều đó sẽ thay đổi. Một thông báo nội bộ tháng 6/2017 đã mô tả những tin đồn về “việc đấu đá quyết liệt và sự hỗn loạn” bên trong Nhà Trắng “phần lớn là đúng”. Ông Kim Darroch cũng mô tả ông Trump là “nhân vật gây bất an”.
Gần đây nhất, ông Kim Darroch cảnh báo rằng, mặc dù Tổng thống Trump có thể rất hài lòng với chuyến thăm cấp Nhà nước gần đây tới Anh, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit và đây vẫn là vùng đất của "nước Mỹ trước tiên".
Những quan điểm trên có thể không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng việc rò rỉ những quan điểm trên đã gây tổn hại sâu sắc và khởi động một cuộc truy lùng thủ phạm cũng như những suy đoán về động cơ.
Cuộc chiến liên quan đến Brexit?
Theo The Economist, đối với các nhà ngoại giao, những đánh giá chân thực và bí mật về các quốc gia nơi họ đang làm việc là nhiệm vụ cốt lõi. Nếu chỉ vì sợ việc rò rỉ mà tự kiểm duyệt thì công việc của các nhà ngoại giao sẽ chẳng có mấy giá trị.
Vì những tài liệu của ông Darroch xuất hiện thông qua nhà báo Isabel Oakeshott, một nhân vật ủng hộ Brexit nổi tiếng, nên đã dẫn đến giả thuyết cho rằng đây có thể là một phần của cuộc chiến liên quan đến Brexit.
Ông Kim Darroch - từng là đại diện thường trực của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) và Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Thủ tướng David Cameron trước khi tới Washington năm 2016 - được coi là một người thân châu Âu.
Vì vậy, đã có nghi vấn cho rằng, việc rò rỉ thông tin có thể nhằm để đưa một người ủng hộ Brexit hơn vào nắm giữ một vị trí ngoại giao quan trọng sau khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson – nhân vật nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng vào cuối tháng này.
Nếu theo ý của ông Trump, nước Anh từ lâu đã bổ nhiệm Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Brexit, làm đại sứ ở Washington. Vì Tổng thống Trump không có quyền quyết định như vậy, ông đã đưa ra nhận xét về ông Kim Darroch: “Ngài Đại sứ đã không phục vụ tốt cho Vương quốc Anh”. Ngày 8/7, ông Trump đã đẩy vụ việc lên cao khi thông qua Twitter tuyên bố tẩy chay Đại sứ Anh. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không giao thiệp với ông ấy nữa”.
Ở quê nhà, dù không tán thành các quan điểm của ông Kim Darroch, nhưng Anh vẫn đứng sau ủng hộ ông. Bà May khẳng định bà “hoàn toàn tin tưởng” ông Kim Darroch. Cựu Ngoại trưởng William Hague nói với BBC: “Bạn không thể thay đổi một đại sứ theo yêu cầu của nước chủ nhà”.
Khó khăn chồng chất
Tờ The Economist cho rằng, sự cố trong “mối quan hệ đặc biệt” của Anh với nước Mỹ xảy ra đúng lúc “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ của Anh với một nước khác là Trung Quốc cũng đang phai nhạt một cách rõ rệt.
Những căng thẳng liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong (Trung Quốc) là những diễn biến mới nhất trong một loạt vấn đề làm cản trở bước tiến trong quan hệ Anh - Trung.
Anh cũng đang căng thẳng với Iran. Tuần trước, Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Gibraltar do nghi ngờ chiếc tàu này buôn lậu dầu từ Iran sang Syria, và việc này đã khiến Iran đưa ra những lời đe dọa trả đũa Anh và bắt giữ các tàu của Anh.
Nỗi ám ảnh thực sự hiện nay của Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Jeremy Hunt còn là việc cạnh tranh với người tiền nhiệm, ông Johnson, để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và từ đó trở thành Thủ tướng của nước Anh. Cuộc đua này tạo động lực để ông Hunt đưa ra các tuyên bố liên quan đến Hong Kong hay việc thực thi lệnh trừng phạt Iran dù những tuyên bố này không nhất thiết phải làm cho chính sách đối ngoại của Anh trở nên hiệu quả hơn.
Vai trò của Anh so với Pháp trong vấn đề Iran cũng có phần nhạt nhòa hơn. Ngày 6/7, ông Emmanuel Macron đã điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, kết quả là Pháp và Iran đồng ý xem xét các điều kiện đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh chỉ nói rằng sẽ “phối hợp với các bên tham gia khác về các bước tiếp theo theo các điều khoản của JCPOA”.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox đáng lẽ đang chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Mỹ, nhưng tại Washington tuần này, ông lại phải đi bảo vệ cho Đại sứ Anh sau vụ rò rỉ điện tín ngoại giao vừa qua.
Trong bối cảnh EU đang bận rộn thực hiện các thỏa thuận thương mại thực tế như hiệp định thương mại của EU với Nhật Bản, thỏa thuận thương mại với Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) và Việt Nam thì nước Anh còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng quan hệ với các đối tác thương mại thời kỳ hậu Brexit, đặc biệt là sau vụ rò rỉ ngoại giao của Đại sứ Kim Darroch.