Đại sứ Nguyễn Phú Bình viết thư động viên các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, tháng 3/2011. |
Sống và làm việc ở Nhật, thậm chí chỉ thăm đất nước này trong thời gian ngắn, bạn có thể gặp động đất bất cứ lúc nào, với hiện tượng sàn nhà rung rinh, cửa kính rung nhè nhẹ, phát ra những tiếng động lách tách, chùm đèn trần đung đưa… Tất cả chỉ diễn ra trong 10-15 giây, sẽ chỉ có một dòng chữ nhỏ ở góc màn hình tivi cho biết địa điểm tâm chấn và cường độ ở các địa phương lân cận.
Tưởng như đã quen với động đất, nhưng chúng tôi và cả các bạn Nhật vẫn luôn bị ám ảnh bởi cảnh báo của các nhà khoa học về khả năng sẽ lặp lại một trận siêu động đất Kanto (khu vực Tokyo và các tỉnh xung quanh) xảy ra năm 1923, mạnh 7,9 độ richter, làm chết 142.000 người. Hoặc gần hơn là vào năm 1995, trận động đất Hanshin (khu vực Kobe và xung quanh), mạnh 7,2 độ richter, cướp đi 6.500 sinh mạng. Vậy mà chúng tôi vẫn bị bất ngờ khi xảy ra động đất vào 14h46 phút ngày 11/3/2011.
Khác với những gì chúng tôi đã trải qua trước đó, lần này, ngay tại Tokyo, những rung chấn mạnh làm cho nhiều đồ đạc trong nhà bị rơi vỡ, kéo dài nhiều phút và lặp lại nhiều lần. Khi các kênh truyền hình đưa cảnh sóng thần cuốn tất cả tàu thuyền trên biển trông thật khủng khiếp, đó mới là bắt đầu của một thảm họa kép mà những gì tệ hại hơn vẫn còn ở phía trước.
Làm việc như thời chiến
Giữa lúc mọi người còn đang bàng hoàng vì những tổn thất do động đất và sóng thần thì nỗi lo sợ mới xuất hiện khi liên tiếp trong các ngày tiếp theo xảy ra các vụ nổ tại các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản khẳng định đây là các vụ nổ khí Hydro chứ không phải nổ lò phản ứng. Nhiều nước lo ngại, đã khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Nhật Bản, nhiều Đại sứ quán các nước tạm thời đóng cửa, đưa cán bộ, nhân viên cùng gia đình sơ tán sang các nước khác, hầu hết chỉ để lại số ít cán bộ thật cần thiết.
Tình hình lại càng căng thẳng khi Đại sứ quán liên tục nhận được yêu cầu của các gia đình trong nước xác minh con em là lao động, lưu học sinh ở khu vực xảy ra thảm họa, yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và báo chí trong nước tìm hiểu tình hình.
Thông qua các cuộc thông báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao và các cuộc tiếp xúc, tìm hiểu, chúng tôi có thể nhận định rằng: tình hình rất phức tạp và còn nhiều nguy cơ nhưng không phải tuyệt vọng hoặc không kiểm soát được như một số phương tiện truyền thông đã nêu. Vì vậy, trong khi tìm các phương án để sơ tán công dân ta thì yêu cầu hàng đầu là phải làm sao để dư luận trong nước bớt lo lắng, đặc biệt trấn an tâm lý hoảng hốt của công dân ta còn đang ở vùng xảy ra thảm họa và gia đình của họ.
Tôi đã thống nhất với anh em trong cơ quan: tất cả ở lại và chuyển sang chế độ làm việc như thời chiến: làm việc cả ngoài giờ và thứ Bảy, Chủ nhật; theo dõi, cập nhật tin tức, tiếp nhận và giải đáp các yêu cầu xác minh thông tin, giải quyết ngay thủ tục, giấy tờ cho công dân ta muốn trở về nước và cả người nước ngoài muốn nhập cảnh Việt Nam. Đại sứ quán cũng trao đổi ngay với Văn phòng đại diện Hàng không Việt Nam các phương án tăng cường máy bay kịp thời đưa những người có nhu cầu về Việt Nam, dự phòng tình huống sân bay Narita bị đóng cửa vì phóng xạ, công dân ta và cán bộ nhân viên Đại sứ quán phải di chuyển bằng đường bộ và đáp máy bay ở các sân bay phía Tây Tokyo. Đại sứ quán biên tập bản tin hàng ngày thông báo tình hình và các biện pháp khắc phục sự cố, các thông số về độ phóng xạ tại các địa điểm tiêu biểu để cung cấp cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan, báo chí trong nước có yêu cầu, để dư luận trong nước hiểu đúng về tình hình, giải tỏa bớt những lo lắng trong dư luận.
“Chiến dịch” đưa người khỏi vùng nguy hiểm
Tuy nhiên, phức tạp và khó khăn nhất là việc đưa công dân ta ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là đối với những lưu học sinh diện du học tự túc, do các trung tâm du học trong nước đưa sang, không theo sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại sứ quán giao cho Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam (VYSA) tìm cách bắt liên lạc, hướng dẫn các em tìm cách tập trung tại 3 địa điểm ở 3 tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất là Iwate, Miyagi và Fukushima và chờ xe của Đại sứ quán lên đón.
Ngay hôm sau, tôi nhận được điện thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi và động viên cán bộ nhân viên cơ quan đại diện và bà con trong cộng đồng. Thủ tướng rất xúc động khi nghe tôi báo cáo về việc Hòa thượng chùa Nissin Kutsu đã cưu mang đồng bào ta. |
Vào lúc nửa đêm, xe đầu tiên đến Fukushima, cách Tokyo khoảng 200 km, xe thứ 2 đến Sendai, tỉnh Miyaki, cách Tokyo khoảng 350 km lúc rạng sáng; xe thứ 3 đến Morioka, tỉnh Iwabe, cách Tokyo hơn 500 km lúc sáng sớm. Tổng cộng có 84 công dân ta và một số người nước ngoài đi nhờ đã quay trở lại Tokyo trong ngày. Một số khác tuy đã đăng ký nhưng sau khi cân nhắc, đã quyết định ở lại.
Xe đón anh em ở Fukushima đã có sáng kiến giương Cờ đỏ sao vàng vào các trung tâm lánh nạn, đồng thời nhờ loa phóng thanh để tìm kiếm người Việt. Theo kế hoạch đã định, chúng tôi đưa toàn thể anh em vào tạm trú tại chùa Nissin Kutsu, ở ngay cạnh Tháp Tokyo, nơi có Hòa thượng Daichi và sư cô người Việt Nam rất thân thiết với cộng đồng người Việt Nam. Đại sứ quán đã mời các chuyên gia phóng xạ mang thiết bị đến kiểm tra từng người. Rất may, không có ai bị nhiễm xạ. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, Hòa thượng Daichi Yoshimizu đã làm lễ cầu an cho anh em và cầu siêu cho những người đã mất trong thảm họa.
Các phương tiện truyền thông trên thế giới đã nêu nhiều câu chuyện xúc động về phẩm chất của con người Nhật Bản trong lúc xảy ra thảm họa. Bản thân chúng tôi qua thực tế, đã chứng kiến và vô cùng biết ơn tấm lòng của các bạn Nhật: từ cán bộ Bộ Ngoại giao, Cảnh sát phường Motoyoyogi (nơi có Đại sứ quán ta) và cả những người lái xe bus đã hết lòng hướng dẫn, hỗ trợ cho đợt công tác thuận lợi nhất. Qua phản ánh của anh chị em tại các nơi xảy ra thảm họa, tất cả những người lánh nạn, không phân biệt là người địa phương hay người nước ngoài, đều được các nhân viên cứu hộ tận tình hướng dẫn, chăm lo chu đáo.
Những người bạn chân thành nhất
Chúng tôi chứng kiến sự xúc động chân thành của các vị lãnh đạo cao nhất, đến các chính khách và người dân thường Nhật Bản khi nhận được hàng cứu trợ từ Việt Nam gửi đến và trước phong trào quần chúng rộng lớn ở Việt Nam hỗ trợ cho người dân vùng bị nạn. Chắc chắn, sự đóng góp của chúng ta rất nhỏ bé so với thiệt hại của bạn và cũng không đáng kể so với ODA cũng như khoản viện trợ không hoàn lại bạn dành cho Việt Nam mỗi năm vượt quá 100 triệu USD.
Nhưng, chúng tôi thấy rất rõ tình cảm biết ơn qua câu nói của các vị lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản cũng như các địa phương bị thảm họa khi nắm chặt tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi các vị lãnh đạo cấp cao ta thăm các địa phương này: “Những người bạn chia sẻ với chúng tôi trong lúc hoạn nạn là những người bạn chân thành nhất!”. Câu nói này tôi cũng được nghe từ các vị đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao bạn nhấn mạnh Việt Nam nằm trong số không nhiều Đại sứ quán đã không đóng cửa một ngày nào và giữ nguyên “quân số” trong suốt thời gian khủng hoảng.
Vài tháng sau khi được cùng Đoàn nghệ thuật Hoa Đào của TP Hồ Chí Minh đi biểu diễn tại vùng bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Iwabe, người đứng đầu chính quyền đại phương cũng nhắc lại câu nói ấy.
Tại khu tái định cư nằm trên sườn núi cao, nhìn xuống chân núi là thị trấn cũ đã bị sóng thần san phẳng, ông Thị trưởng cho biết tôi là nhà ngoại giao nước ngoài đầu tiên đến thăm nơi đây. Vì vậy, ông mời vợ chồng tôi trồng cây kỷ niệm. Các bạn chọn một loại cây đặc biệt có hoa chùm gồm 2 bông hoa lớn ôm lấy một bông hoa nhỏ tượng trưng cho mái ấm gia đình và bảo tồn sự sống. Chắc hẳn, các bạn muốn dành cho chúng tôi cơ hội được thể hiện lời chúc phúc của nhân dân Việt Nam, chúc cho cuộc sống sẽ sớm hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất đau thương này.
Nguyễn Phú Bình
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản