Nếu Mỹ vỡ nợ, thiệt hại sẽ tồi tệ như thế nào? Không ai biết chắc vì nền kinh tế thế giới quá phức tạp. (Nguồn: AFP) |
Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc sẽ sống sót như thế nào? Và liệu việc Mỹ vỡ nợ có tạo cơ hội cho Trung Quốc tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu mới ít phụ thuộc vào đồng USD hơn?
Khó có khả năng Mỹ vỡ nợ
Theo trang Foreign Policy, tin tốt là việc Mỹ vỡ nợ sẽ không thể xảy ra.
Rất có thể, Quốc hội Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ lên để đổi lấy những lời hứa cắt giảm chi tiêu của Chính phủ liên bang. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn có nhiều lựa chọn để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, từ thủ thuật kế toán đến quyết định bỏ qua trần nợ hoàn toàn.
Nhưng những điều kỳ lạ đôi khi vẫn xảy ra ở Mỹ. Nếu Mỹ vỡ nợ, thiệt hại sẽ tồi tệ như thế nào?
Không ai biết chắc vì nền kinh tế thế giới quá phức tạp. Một khả năng rõ ràng là thế giới sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Điều này là do thị trường trái phiếu kho bạc khổng lồ của Mỹ củng cố hệ thống tài chính toàn cầu theo hai cách.
Tin liên quan |
Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả 'tàn khốc' nếu vỡ nợ |
Nhiều khoản tín dụng trên khắp thế giới được định giá, trực tiếp hoặc gián tiếp, liên quan đến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Và nhiều khoản vay cả ở Mỹ và phần còn lại của thế giới phụ thuộc vào kho bạc Mỹ làm tài sản thế chấp.
Trong trường hợp vỡ nợ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng vọt (vì các nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn để đổi lấy rủi ro của việc họ có thể không được hoàn trả), và trái phiếu kho bạc có thể không còn được sử dụng làm tài sản thế chấp (vì giá trị cơ bản của chúng sẽ không còn nữa). Toàn bộ hệ thống tài chính thế giới có thể đóng băng.
Hơn nữa, một trong những công cụ chính được sử dụng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng 2008-2009 – tạo ra một lượng tiền khổng lồ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tài trợ cho việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ – có thể không hoạt động nếu thị trường trái phiếu kho bạc ngừng hoạt động.
Trung Quốc sẽ bị tổn hại?
Giống như kịch bản của năm 2008-2009, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra sẽ gây tổn hại rất nhiều cho Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng đến Trung Quốc sẽ thấp hơn một chút so với hầu hết các quốc gia khác vì nền kinh tế này vận hành một hệ thống tài chính khép kín, chủ yếu dựa vào tiết kiệm trong nước và được bảo vệ khỏi những bất ổn tài chính toàn cầu bằng các biện pháp kiểm soát vốn.
Nhưng tác động của việc Mỹ vỡ nợ vẫn sẽ rất nghiêm trọng. Trong năm 2008-2009, sự mất mát về tài chính thương mại và sự sụp đổ của nhu cầu toàn cầu đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh gần 20% và hơn 20 triệu công nhân bị mất việc làm.
15 năm trước, chính phủ Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách tung ra một chương trình kích thích kinh tế lớn được tài trợ bằng nợ vì nợ của Trung Quốc ở mức tương đối thấp - 140% GDP và nước này vẫn có nhu cầu đáng kể về cơ sở hạ tầng và nhà ở. Ngày nay, không gian để điều động bị thu hẹp hơn nhiều: Nợ đã tăng lên gần 300% GDP và cả cơ sở hạ tầng, cũng như nhà ở đều đã xây dựng vượt quá nhu cầu.
Mặc dù hậu quả kinh tế đối với Trung Quốc khi Mỹ vỡ nợ là rất nghiêm trọng, chính phủ vẫn có thể hỗ trợ mức tăng trưởng tối thiểu bằng cách tăng nợ của mình, vì chính phủ sẽ vay từ tương lai của chính mình, chứ không phải từ các chủ nợ nước ngoài.
Điều này dẫn đến câu hỏi thứ hai. Nếu Mỹ vỡ nợ, liệu Trung Quốc có thể tạo ra một hệ thống thay thế được xây dựng xung quanh đồng Nhân dân tệ (NDT) không? Câu trả lời ngắn gọn là không.
Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ rất lớn và có mối quan hệ mật thiết với phần còn lại của thế giới. Có 23.900 tỷ USD trái phiếu kho bạc đang lưu hành; người nước ngoài nắm giữ 7.500 tỷ USD, tương đương 31%, trong tổng số trái phiếu của Mỹ. Năm 2022, giao dịch hàng ngày đạt trung bình 600 tỷ USD.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là các công ty lớn và chính phủ dễ dàng nắm giữ trái phiếu kho bạc với bất kỳ số lượng nào, giao dịch khối lượng lớn một cách nhanh chóng và dễ dàng có được hoặc xử lý nhiều tài sản thế chấp mà họ cần để vay.
Thị trường trái phiếu chính phủ của Trung Quốc không đủ lớn, không đủ khả năng thanh khoản hoặc tích hợp với phần còn lại của thế giới để thay thế trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo tính toán, tổng giá trị trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang phát hành là 3.300 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ do người nước ngoài nắm giữ.
Lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc nắm giữ ở nước ngoài chỉ là 340 tỷ USD, bằng 1/20 lượng trái phiếu chính phủ Mỹ nắm giữ. Doanh thu hàng ngày của thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc là 30 tỷ USD, bằng khoảng 5% mức trung bình của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT bất thành
Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, nhận thấy quá phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do sự chi phối của đồng USD, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để quốc tế hóa đồng NDT. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc chỉ mang lại một ít kết quả.
Đồng NDT chỉ chiếm 2,8% dự trữ chính thức của ngân hàng trung ương toàn cầu (so với 60% đối với đồng USD Mỹ và 20% đối với đồng Euro), một con số không thay đổi nhiều trong vài năm qua. Tương tự, đồng NDT chỉ chiếm 2,4% giao dịch ngoại hối toàn cầu.
Trung Quốc chưa thể thành công trong việc quốc tế hóa đồng NDT vì cùng một lý do khiến nước này tương đối "cách ly" khỏi các cú sốc tài chính toàn cầu - kiểm soát vốn. Từ quan điểm của Bắc Kinh, điều này là tốt. Khi điều kiện kinh tế xấu đi ở Trung Quốc, người dân nước này khó có thể rút tiền ra và chuyển ra nước ngoài.
Và bằng cách hạn chế số tiền mà người nước ngoài có thể mang vào Trung Quốc và kiểm soát các điều kiện mà họ có thể rút tiền ra, Trung Quốc giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy ra ngoài. Kết quả là Trung Quốc không phải làm việc quá sức để duy trì sự ổn định tài chính trong nước.
Vấn đề là nếu một quốc gia nào đó muốn tạo ra một sự thay thế cho thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ - và cho đồng tiền trụ cột của thế giới, đồng USD Mỹ - quốc gia đó phải chấp nhận những rủi ro. Các nhà đầu tư quốc tế cần cảm thấy tự tin rằng, họ có thể đầu tư bao nhiêu tiền tùy thích vào trái phiếu của quốc gia, rằng giá trị của những khoản nắm giữ đó sẽ tương đối ổn định và họ có thể rút tiền ra bất cứ khi nào họ muốn mà không bị phạt.
Trung Quốc chưa thành công trong việc quốc tế hóa NDT vì cùng một lý do khiến nước này tương đối "cách ly" khỏi các cú sốc tài chính toàn cầu - kiểm soát vốn. (Nguồn: Reuters) |
Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung không tin rằng thị trường trái phiếu chính phủ của Trung Quốc có thể mang lại bất kỳ điều gì trong số đó. Họ hoàn toàn sẵn lòng bỏ một lượng nhỏ vào trái phiếu Trung Quốc để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình hoặc để tận dụng sự tăng giá ngắn hạn của đồng NDT.
Một số giám đốc ngân hàng trung ương cho biết, họ không muốn đặt nhiều tiền dự trữ của mình vào trái phiếu Trung Quốc vì lo ngại sẽ không có sẵn tiền khi họ thực sự cần đến chúng - tức là trong trường hợp khẩn cấp. Tâm lý đó thậm chí còn được củng cố mạnh mẽ hơn bởi các tổ chức tài chính tư nhân giao dịch thường xuyên hơn và muốn có một nguồn tài sản thế chấp an toàn để hỗ trợ các giao dịch hàng ngày.
Tóm lại, lý do khiến thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống tài chính toàn cầu là vì Mỹ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro tài chính mà không một quốc gia nào khác - ngay cả một quốc gia lớn như Trung Quốc - dám và đã chứng tỏ qua nhiều lần.
Vì vậy, nếu thị trường tài chính Mỹ đóng băng, thế giới sẽ chịu thiệt hại kinh tế và tài chính to lớn.
Trung Quốc cũng chỉ giống như những nước khác, sẽ là một người ngoài cuộc không may mắn, buộc phải đợi cho đến khi Mỹ có thể giải quyết các vấn đề nội bộ và tiếp tục quản lý hệ thống tài chính toàn cầu.
| Vài giờ trước khi ngân sách liên bang cạn kiệt, Thượng viện Mỹ nỗ lực 'giải cứu' chính phủ Các nghị sĩ đảng Dân chủ thông báo, trong ngày 30/9 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật phân bổ ... |
| Fitch Ratings cảnh báo xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ đối mặt nhiều rủi ro Fitch Ratings đánh giá, việc bỏ lỡ thời hạn để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công là rủi ro chính đối với khả năng ... |
| Mỹ: Nhờ Thượng viện, nguy cơ vỡ nợ của chính phủ được đẩy lùi Tối 7/10 theo giờ Mỹ (tức sáng 8/10 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tạm thời nâng mức trần nợ ... |
| Mỹ: Hạ viện đồng ý nâng trần nợ công giúp chính phủ đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ Ngày 12/10, với 219 phiếu thuận và 206 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công ... |
| Mỹ: Thời điểm Bộ Tài chính không còn khả năng sử dụng biện pháp ngăn tình trạng vỡ nợ ‘rất không chắc chắn’ Ngày 20/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nước này có thể rơi vào suy thoái và "gây ra khủng hoảng tài ... |